Qatar (phiên âm tiếng Việt), tên chính thức là Nhà nước Qatar, là một quốc gia có chủ quyền tại Tây Á, nằm trên bán đảo nhỏ Qatar thuộc duyên hải đông bắc của bán đảo Ả Rập. Qatar chỉ có biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út về phía nam, vịnh Ba Tư bao quanh phần còn lại của quốc gia. Một eo biển thuộc vịnh Ba Tư chia tách Qatar khỏi đảo quốc láng giềng Bahrain, ngoài ra đất nước này còn có biên giới hàng hải với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran. Sau thời gian nằm dưới quyền cai trị của Ottoman, Qatar trở thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Anh vào đầu thế kỷ XX cho đến khi giành độc lập vào năm 1971. Gia tộc Thani cai trị Qatar từ đầu thế kỷ XIX. Sheikh Jassim bin Mohammed Al Thani là người khai quốc của Nhà nước Qatar. Qatar theo chế độ quân chủ thế tập, và nguyên thủ quốc gia lấy hiệu là emir. Có tranh luận về việc Qatar là một quốc gia quân chủ lập hiến hay quân chủ chuyên chế Vào đầu năm 2017, tổng dân số Qatar đạt 2,6 triệu, trong đó khoảng 300 nghìn người là công dân Qatar, còn lại là ngoại kiều. Qatar có nền kinh tế thu nhập cao và là một quốc gia phát triển, dựa trên cơ sở có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn thứ ba thế giới và tài nguyên dầu mỏ. Qatar có chỉ số thu nhập bình quân cao hàng đầu thế giới, được phân loại là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao và là quốc gia tiến bộ nhất trong thế giới Ả Rập về phát triển con người. Qatar là một thế lực đáng kể trong thế giới Ả Rập, nước này ủng hộ một số tổ chức khởi nghĩa trong Mùa xuân Ả Rập về tài chính cũng như thông qua tổ chức truyền thông toàn cầu Al Jazeera của họ. Dù là quốc gia có quy mô nhỏ, song ảnh hưởng của Qatar trên thế giới không tương ứng như vậy, và nước này được xác định là một cường quốc bậc trung. Qatar sẽ đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022, và là quốc gia Ả Rập đầu tiên tổ chức giải đấu này. 1 Lịch sử 1.1 Cổ đại Loài người cư trú tại Qatar từ khoảng 50.000 năm trước. Đã khai quật được các khu định cư và công cụ có niên đại từ thời kỳ đồ đá trên bán đảo. Các đồ tạo tác của Lưỡng Hà có từ thời kỳ Ubaid (khoảng 6500-3800 TCN) được phát hiện thấy tại các khu định cư duyên hải bị bỏ hoang. Al Da’asa là một khu định cư nằm tại duyên hải phía tây của Qatar, đây là di chỉ Ubaid quan trọng nhất trong nước và được cho là có một khu trại nhỏ theo mùa. Các vật thể của Babylon thời Kassite có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 2 TCN được tìm thấy trên Quần đảo Al Khor, chứng thực quan hệ mậu dịch giữa cư dân Qatar và người Kassite tại Bahrain ngày nay. Trong số các hiện vật phát hiện được có 3 triệu vỏ sò bị nghiền và mảnh sành Kassite. Có đề xuất rằng Qatar là địa điểm sớm nhất được biết đến về sản xuất thuốc nhuộm từ sò, sở hữu ngành công nghiệp thuốc nhuộm đỏ tía tại duyên hải. Năm 224, Đế quốc Sasanid giành quyền kiểm soát các lãnh thổ quanh vịnh Ba Tư. Qatar giữ một vai trò trong hoạt động thương nghiệp của người Sasanid, đóng góp ít nhất hai mặt hàng là ngọc trai quý và thuốc nhuộm màu đỏ tía. Dưới quyền của Sasanid, nhiều cư dân tại miền Đông bán đảo Ả Rập được truyền thụ Cơ Đốc giáo từ những người Cơ Đốc giáo Lưỡng Hà. Các tu viện được xây dựng và có thêm các khu định cư được hình thành trong thời kỳ này. Trong phần sau của thời kỳ Cơ Đốc giáo, Qatar có một khu vực mang tên ‘Beth Qatraye’ (theo tiếng Syriac nghĩa là “khu vực của người Qatar”). Khu vực không chỉ hạn chế tại Qatar; mà còn gồm Bahrain, đảo Tarout, Al-Khatt, và Al-Hasa. Năm 628, Muhammad phái một sứ giả Hồi giáo đến chỗ một quân chủ tại miền Đông của bán đảo Ả Rập tên là Munzir ibn Sawa Al Tamimi và yêu cầu rằng ông ta cùng thần dân chấp nhận Hồi giáo. Munzir đáp ứng và do đó hầu hết các bộ lạc Ả Rập trong khu vực cải sang Hồi giáo. Sau khi chấp nhận Hồi giáo, người Ả Rập lãnh đạo cuộc chinh phục Ba Tư với kết quả là Đế quốc Sasanid sụp đổ. 1.2 Thời kỳ Hồi giáo (661-1783) Qatar được mô tả là một trung tâm gây giống ngựa và lạc đà nổi tiếng trong thời kỳ Umayyad (661-750). Trong thế kỷ VIII, khu vực bắt đầu hưởng lợi từ vị trí chiến lược về thương nghiệp tại vịnh Ba Tư và trở thành một trung tâm mậu dịch ngọc trai. Trong thời kỳ Abbas (750-1258), ngành ngọc trai quanh bán đảo Qatar có bước phát triển đáng kể. Tàu thuyền đi từ Basra đến Ấn Độ và Trung Quốc dừng lại tại các cảng của Qatar trong giai đoạn này. Đồ sứ Trung Quốc, tiền đồng Tây Phi và đồ tạo tác từ Thái Lan đều được phát hiện tại Qatar. Các tàn tích khảo cổ học từ thế kỷ IX cho thấy rằng các cư dân Qatar sử dụng của cải tăng lên để xây dựng nhà ở và công trình công cộng có chất lượng cao hơn. Trên 100 nhà ở, hai thánh đường, và một công sự của triều Abbas làm bằng đá được xây tại Murwab trong thời kỳ này. Tuy nhiên, đến khi phần trọng tâm của đế quốc là Iraq suy giảm độ phồn vinh thì tình hình tại Qatar cũng tương tự. Phần lớn miền Đông của bán đảo Ả Rập nằm dưới quyền kiểm soát của triều đại Usfur vào năm 1253, song quyền kiểm soát khu vực về tay Vương quốc Ormus vào năm 1320. Ngọc trai của Qatar là một trong các nguồn thu nhập chủ yếu của Ormus. Năm 1515, Manuel I của Bồ Đào Nha biến Vương quốc Ormus thành nước lệ thuộc. Bồ Đào Nha chiếm được một phần lớn tại miền đông bán đảo Ả Rập tính đến năm 1521. Năm 1550, các cư dân Al-Hasa (nay thuộc Ả Rập Xê Út) tình nguyện phục tùng quyền cai trị của Ottoman vì ưa thích đế quốc này hơn Bồ Đào Nha. Sau khi duy trì hiện diện quân sự không đáng kể trong khu vực, người Ottoman bị bộ lạc Bani Khalid trục xuất vào năm 1670. 1.3 Bahrain và Saudi cai trị (1783-1868) Năm 1766, bộ lạc Utub của gia tộc Khalifa di cư từ Kuwait đến Zubarah tại Qatar. Khi họ đến, Bani Khalid thi hành quyền lực ở mức độ yếu đối với bán đảo. Năm 1783, các thị tộc Bani Utbah có căn cứ tại Qatar và các bộ lạc Ả Rập đồng minh tiến hành xâm chiếm và sáp nhập Bahrain từ tay người Ba Tư. Gia tộc Khalifa áp đặt quyền lực của họ đối với Bahrain và mở rộng khu vực thẩm quyền của mình đến Qatar. Sau khi Saud ibn Abd al-Aziz trở thành thái tử của triều đại Wahhabi (nay thuộc Ả Rập Xê Út) vào năm 1788, ông chuyển sang bành trướng lãnh thổ của mình về phía đông hướng đến vịnh Ba Tư và Qatar. Sau khi đánh bại Bani Khalid vào năm 1795, người Wahhabi bị tấn công trên hai mặt trận: quân Ottoman và Ai Cập (thuộc Ottoman) tấn công trên mặt trận phía tây, còn quân Al Khalifa tại Bahrain và quân Oman phát động tấn công trên mặt trận phía đông. Đến khi nhận thức được thế tiến của quân Ai Cập tại mặt trận phía tây vào năm 1811, quân chủ của Wahhabi cho giảm đóng quân tại Bahrain và Zubarah (thuộc miền bắc Qatar) để tái bố trí lực lượng. Said bin Sultan của Muscat lợi dụng cơ hội này để tấn công quân đồn trú Wahhabi trên mặt trận phía đông, phóng hoả công sự tại Zubarah. Gia tộc Al Khalifa sau đó quay lại nắm quyền trên thực địa. Để trừng phạt nạn hải tặc, một tàu của Công ty Đông Ấn Anh bắn phá Doha vào năm 1821, tàn phá thị trấn và buộc hàng trăm cư dân phải tị nạn. Năm 1825, gia tộc Thani hình thành với Sheikh Mohammed bin Thani là thủ lĩnh đầu tiên. Mặc dù Qatar có vị thế pháp lý là một lãnh thổ phụ thuộc của Bahrain, song tồn tại một tình cảm oán giận lan rộng chống gia tộc Al Khalifa. Năm 1867, gia tộc Al Khalifa cùng với quân chủ của Abu Dhabi phái một lực lượng hải quân lớn đến Al Wakrah (thuộc miền đông Qatar) nhằm dẹp tan các phiến quân Qatar. Kết quả là Chiến tranh Qatar-Bahrain năm 1867-1868, trong đó quân Bahrain và Abu Dhabi cướp phá Doha và Al Wakrah. Tuy nhiên, hành vi thù địch của Bahrain vi phạm Hiệp ước Anh-Bahrain năm 1820. Chính trị gia người Anh Lewis Pelly đưa ra một dàn xếp vào năm 1868. Chuyến công tác của ông đến Bahrain và Qatar và kết quả là hiệp định hoà bình là các mốc lịch sử vì chúng ngầm định công nhận tính riêng biệt của Qatar khỏi Bahrain và thừa nhận rõ ràng vị thế của Mohammed bin Thani. Ngoài khiển trách Bahrain vi phạm thoả thuận, quan bảo hộ người Anh yêu cầu đàm phán với một đại biểu từ Qatar, và Mohammed bin Thani được lựa chọn. Kết quả đàm phán là Qatar có một nhận thức mới về bản sắc chính trị, dù không giành được vị thế một lãnh thổ bảo hộ cho đến năm 1916. 1.4 Ottoman cai trị (1871-1915) Dưới áp lực quân sự và chính trị từ thống đốc tỉnh Baghdad thuộc Ottoman là Midhat Pasha, gia tộc Al Thani quy phục Ottoman vào năm 1871. Chính phủ Ottoman tiến hành các biện phát cải cách (Tanzimat) về thuế và đăng ký đất nhằm hợp nhất hoàn toàn các khu vực này vào đế quốc. Bất chấp việc các bộ lạc địa phương phản đối, gia tộc Al Thani tiếp tục hỗ trợ Ottoman cai trị. Tuy nhiên, quan hệ Qatar-Ottoman nhanh chóng đình trệ, và đến năm 1882 nó thụt lùi hơn nữa khi Ottoman từ chối viện trợ gia tộc Al Thani chinh phạt Al Khor (nay thuộc phía bắc Qatar) đang do Abu Dhabi chiếm đóng. Ngoài ra, Ottoman giúp đỡ thần dân của mình là Mohammed bin Abdul Wahab nỗ lực lật đổ Al Thani khỏi chức kaymakam (huyện trưởng) của Qatar vào năm 1888. Kết quả là gia tộc Al Thani tiến hành khởi nghĩa chống Ottoman, cho rằng Ottoman tìm cách cướp đoạt quyền kiểm soát bán đảo. Thủ lĩnh gia tộc Al Thani từ chức kaymakam và dừng trả thuế vào tháng 8 năm 1892. Trong tháng 2 năm 1893, Mehmed Hafiz Pasha đến Qatar, Jassim bin Mohammed Al Thani lo sợ và triệt thoái đến Al Wajbah (16 km về phía tây của Doha) cùng với một số thành viên bộ lạc. Yêu cầu của Mehmed rằng Jassim giải tán quân đội và tuyên thệ trung thành với Ottman bị từ chối. Đến tháng 3, Mehmed cho tống giam em trai của Jassim và 13 thủ lĩnh bộ lạc nổi bật khác của Qatar. Sau đó Mehmed lệnh cho binh sĩ tiến quân hướng đến Pháo đài Al Wajbah của Jassim, báo hiệu khởi đầu trận Al Wajbah. Một lực lượng lớn bộ binh và kỵ binh Qatar khai hoả ác liệt vào binh sĩ của Mehmed. Kết quả là Qatar giành thắng lợi và Ottoman phóng thích các tù nhân để được an toàn đi đến Hofuf (nay thuộc Ả Rập Xê Út). Mặc dù Qatar không giành được độc lập hoàn toàn từ Ottoman, song kết quả của trận đánh là một hiệp ước tạo nền tảng để sau đó Qatar trở thành quốc gia tự trị trong đế quốc. 1.5 Anh cai trị (1916-1971) Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ottoman rơi vào hỗn loạn sau nhiều thất bại tại các chiến trường khác nhau trên Mặt trận Trung Đông. Qatar tham gia khởi nghĩa Ả Rập chống lại Ottoman. Cuộc khởi nghĩa thành công và quyền cai trị của Ottoman tại Qatar càng suy yếu đi. Anh Quốc và Ottoman chấp thuận để Abdullah bin Jassim Al Thani và những người thừa kế của ông có quyền cai trị toàn bán đảo Qatar. Ottoman từ bỏ mọi quyền lợi của mình đối với Qatar, và Abdullah bin Jassim Al Thani (là người thân Anh) buộc họ từ bỏ Doha vào năm 1915. Theo kết quả phân chia Đế quốc Ottoman, Qatar trở thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc Anh vào ngày 3 tháng 11 năm 1916. Vào ngày này, Anh Quốc ký kết một hiệp ước với Abdullah bin Jassim Al Thani để đưa Qatar vào Hệ thống chính phủ Đình chiến. Abdullah chấp thuận không tham gia bất kỳ quan hệ nào với bất kỳ thế lực nào khác nếu chưa được chính phủ Anh đồng ý trước, trong khi người Anh đảm bảo bảo hộ cho Qatar khỏi tất cả hành động gây hấn trên biển. Ngày 5 tháng 5 năm 1935, Abdullah ký một hiệp ước khác với chính phủ Anh, theo đó Anh bảo hộ Qatar trước các đe doạ bên trong và bên ngoài. Trữ lượng dầu mỏ được phát hiện vào năm 1939, tuy nhiên việc khai thác bị trì hoãn do Chiến tranh thế giới thứ hai. Phạm vi ảnh hưởng của Đế quốc Anh bắt đầu thu hẹp sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thập niên 1950, dầu mỏ thay thế ngọc trai và ngư nghiệp trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của Qatar. Tiền từ dầu mỏ bắt đầu được tài trợ cho mở rộng và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng của Qatar. Áp lực về việc Anh triệt thoái khỏi các tiểu vương quốc Ả Rập tại vịnh Ba Tư gia tăng trong thập niên 1950. Đến khi Anh chính thức công bố vào năm 1968 rằng họ sẽ giải phóng chính trị khỏi vịnh Ba Tư trong thời gian ba năm, Qatar dự định cùng Bahrain và bảy nhà nước Đình chiến khác (về sau trở thành Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) hình thành một liên bang. Tuy nhiên, các tranh chấp khu vực nhanh chóng khiến Qatar từ bỏ dự định này và tuyên bố độc lập. 1.6 Độc lập (1971-nay) Ngày 3 tháng 9 năm 1971, các hiệp ước đặc biệt với Anh kết thúc bằng một thoả thuận giữa quân chủ của Qatar và chính phủ Anh. Năm 1991, Qatar đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Vùng Vịnh, đặc biệt là trong trận Khafji khi mà xe tăng của Qatar lăn trên đường phố thị trấn và hỗ trợ hoả lực cho Ả Rập Xê Út giao tranh với Iraq. Qatar cho phép binh sĩ liên quân từ Canada sử dụng lãnh thổ làm căn cứ không quân, và cũng cho phép không quân Hoa Kỳ và Pháp hoạt động trên lãnh thổ của mình. Năm 1995, Thái tử Hamad bin Khalifa Al Thani đoạt quyền kiểm soát quốc gia từ người cha là Khalifa bin Hamad Al Thani với ủng hộ của quân đội và nội các cũng như các quốc gia láng giềng và Pháp. Dưới thời Hamad, Qatar trải qua tự do hoá có chừng mực, bao gồm phát sóng đài truyền hình Al Jazeera (1996), cho phép nữ giới bỏ phiếu trong bầu cử cấp đô thị (1999), soạn thảo hiến pháp thành văn đầu tiên của mình (2005) và khánh thành một nhà thờ Công giáo La Mã (2008). Năm 2010, Qatar giành quyền đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022, là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông được chọn đăng cai giải đấu này. Tiểu vương từng tuyên bố có kế hoạch tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp quốc gia lần đầu vào năm 2013, song bị hoãn lại đến sớm nhất là năm 2019. Năm 2003, Qatar trở thành đại bản doanh Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và là một trong các địa điểm chính phát động xâm chiếm Iraq. Trong tháng 3 năm 2005, một vụ đánh bom tự sát làm một người thiệt mạng và 15 người bị thương tại Doha gây chấn động toàn quốc, do trước đó Qatar chưa từng xảy ra hành động khủng bố nào. Năm 2011, Qatar tham gia can thiệp quân sự tại Libya và được tường thuật là trang bị vũ khí cho các tổ chức đối lập Libya. Qatar cũng là một nhà tài trợ vũ khí chủ yếu cho các nhóm phiến quân trong nội chiến Syria. Trong tháng 6 năm 2013, Tamim bin Hamad Al Thani trở thành tiểu vương của Qatar sau khi được cha trao lại quyền lực. Sheikh Tamim đặt ưu tiên vào cải thiện phúc lợi nội bộ của công dân, trong đó có tạo lập các hệ thống y tế và giáo dục tiến bộ, và mở rộng hạ tầng quốc gia để chuẩn bị cho việc đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022. Năm 2015, Qatar tham gia chiến dịch can thiệp quân sự do Ả Rập Xê Út lãnh đạo tại Yemen chống lại phiến quân Houthis và lực lượng trung thành với cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh. 2 Chính trị Qatar được nhận định là quốc gia quân chủ lập hiến hoặc quân chủ chuyên chế do gia tộc Al Thani cai trị. Triều đại Al Thani cai trị Qatar kể từ khi gia tộc này thành lập vào năm 1825. Năm 2003, Qatar thông qua hiến pháp mới theo đó cho phép bầu cử trực tiếp 30 trong số 45 thành viên của Hội đồng Lập pháp. Emir (tiểu vương) thứ tám của Qatar là Tamim bin Hamad Al Thani, ông được cha là Hamad bin Khalifa Al Thani chuyển giao quyền lực vào ngày 25 tháng 6 năm 2013. Tiểu vương nắm độc quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm thủ tướng và các thành viên nội các, tức thành viên của Hội đồng Bộ trưởng. Hội đồng Bộ trưởng cũng đề xướng pháp luật, pháp luật và sắc lệnh do Hội đồng Bộ trưởng đề xuất được chuyển cho Hội đồng Cố vấn (Majilis Al Shura) để thảo luận và sau đó chúng được trình lên Tiểu vương để phê chuẩn. Hiện tại thành viên của Hội đồng Cố vấn đều do Tiểu vương bổ nhiệm. Pháp luật Qatar không cho phép thành lập các thể chế chính trị hoặc công đoàn. Luật Sharia là nguồn chính của pháp luật Qatar theo nội dung Hiến pháp Qatar. Trong thực tế, hệ thống pháp luật Qatar là hỗn hợp của dân luật và luật Sharia. Luật Sharia được áp dụng cho các luật liên quan đến gia đình, thừa kế, và một số hành vi hình sự (như thông dâm, cướp và giết người). Trong một số vụ tố tụng tại các toà án gia đình dựa theo luật Sharia, lời làm chứng của một nữ giới có giá trị bằng một nửa lời làm chứng của một nam giới. Luật gia đình được hệ thống hoá vào năm 2006. Chế độ đa thê Hồi giáo được cho phép trong nước. Đánh roi được sử dụng tại Qatar để trừng phạt tội tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp. Điều 88 của bộ luật hình sự Qatar quy định hình phạt cho tội thông dâm là 100 roi. Ném đá là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại Qatar. Bội giáo là một tội có thể bị tử hình tại Qatar. Báng bổ có thể bị trừng phạt đến bảy năm tù và tội khuyến dụ cải đạo có thể bị trừng phạt đến 10 năm tù. Đồng tính luyến ái là một tội có thể bị tử hình. Tiêu thụ đồ uống có cồn là việc hợp pháp cục bộ tại Qatar; một số khách sạn sang trọng được phép bán đồ uống có cồn cho các khách hàng phi Hồi giáo. Người Hồi giáo không được phép tiêu thụ đồ uống có cồn tại Qatar và nếu vi phạm có thể bị đánh roi hoặc trục xuất. Ngoại kiều phi Hồi giáo có thể xin giấy phép mua đồ uống có cồn để tiêu thụ cá nhân. Công ty Phân phối Qatar được phép nhập khẩu đồ uống có cồn và thịt lợn, cửa hàng rượu duy nhất của công ty và Qatar cũng bán thịt lợn cho người có giấy phép mua rượu. Các quan chức Qatar cũng biểu thị sẵn sàng cho phép đồ uống có cồn trong “các khu vực người hâm mộ” tại Giải vô địch bóng đá thế giới 2022. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công nhân ngoại quốc tình nguyện đến Qatar để làm lao động kỹ năng thấp hay giúp việc gia đình, song một số người sau đó phải đối diện với tình trạng phục tùng không tự nguyện. Một số vi phạm quyền lao động phổ biến như đánh đập, không trả lương, thu tiền của công nhân để trả các phí mà người chủ có trách nhiệm, hạn chế tự do di chuyển, giam cầm tuỳ tiện, đe doạ tố tụng, và tấn công tình dục. Nhiều công dân di cư đến làm việc tại Qatar phải trả phí quá cao cho nhà tuyển mộ tại quê nhà. 2.1 Quan hệ ngoại giao Là một quốc gia nhỏ bên cạnh các láng giềng lớn, Qatar nỗ lực phát huy ảnh hưởng và bảo vệ quốc gia cùng triều đại. Từ năm 1760 đến năm 1971, Qatar tìm kiếm bảo hộ chính thức từ các thế lực như Ottoman, Anh, triều đại Al-Khalifa từ Bahrain, triều đại Wahhabi từ Ả Rập Xê Út. Mức độ chú ý quốc tế gia tăng và vai trò tích cực trong sự vụ quốc tế của Qatar khiến một số nhà phân tích nhận định đây là một cường quốc bậc trung. Qatar là một thành viên từ ban đầu của OPEC và là một thành viên sáng lập của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Qatar cũng là một thành viên của Liên đoàn Ả Rập. Qatar không chấp thuận thẩm quyền cưỡng chế của Tòa án Công lý Quốc tế. Qatar cũng có quan hệ song phương với nhiều cường quốc. Qatar chứa căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ và Anh, là trung tâm của toàn bộ hoạt động hàng không của Mỹ và Anh tại vịnh Ba Tư. Mặc dù sở hữu căn cứ chiến lược này, Qatar không phải luôn là một đồng minh nhiệt tình của phương Tây. Qatar từng cho phép Taliban lập một văn phòng chính trị và có quan hệ mật thiết với Iran, bao gồm chia sẻ một mỏ khí đốt. Theo các văn kiện bị rò rỉ trên The New York Times, thành tích của Qatar về các nỗ lực chống khủng bố là “tệ nhất trong khu vực”. Bức điện cho rằng cơ quan an ninh của Qatar “do dự về hành động chống lại các phần tử khủng bố đã được nhận dạng do lo ngại tỏ ra liên kết với Hoa Kỳ và kích động trả thù”. Qatar có quan hệ hỗn hợp với các láng giềng trong khu vực vịnh Ba Tư. Qatar ký một thoả thuận hợp tác phòng thủ với Iran, hai quốc gia chỉa sẻ mỏ khí đốt đơn lẻ lớn nhất thế giới. Qatar là quốc gia thứ nhì sau Pháp công khai tuyên bố công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya là chính phủ hợp pháp của Libya trong bối cảnh nội chiến Libya 2011. Năm 2014, quan hệ giữa Qatar với Bahrain, Ả Rập Xê Út, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở nên căng thẳng do Qatar ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhóm cực đoan tại Syria. Tính đến năm 2015, Qatar, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ Quân đội Chinh phục, một nhóm chống chính phủ trong Nội chiến Syria bao gồm Mặt trận Al-Nusra và liên minh Salafi khác là Ahrar ash-Sham. Qatar ủng hộ tổng thống dân cử Mohamed Morsi của Ai Cập thông qua ngoại giao và mạng lưới truyền thông Al Jazeera trước khi ông ta bị hạ bệ do đảo chính. Mối liên kết giữa Qatar với Hamas được báo cáo lần đầu vào đầu năm 2012, hứng chịu chỉ trích từ Israel, Hoa Kỳ, Ai Cập và Ả Rập Xê Út, “những nước buộc tội Qatar phá hoại ổn định khu vực bằng cách ủng hộ Hamas.” Tháng 6 năm 2017, Bahrain, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Yemen (chính phủ Hadi), Libya (chính phủ Hòa hợp Quốc gia) và Maldives chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. 2.2 Quân sự Là một quốc gia nhỏ bên cạnh các láng giềng lớn, Qatar nỗ lực phát huy ảnh hưởng và bảo vệ quốc gia cùng triều đại. Từ năm 1760 đến năm 1971, Qatar tìm kiếm bảo hộ chính thức từ các thế lực như Ottoman, Anh, triều đại Al-Khalifa từ Bahrain, triều đại Wahhabi từ Ả Rập Xê Út. Mức độ chú ý quốc tế gia tăng và vai trò tích cực trong sự vụ quốc tế của Qatar khiến một số nhà phân tích nhận định đây là một cường quốc bậc trung. Qatar là một thành viên từ ban đầu của OPEC và là một thành viên sáng lập của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Qatar cũng là một thành viên của Liên đoàn Ả Rập. Qatar không chấp thuận thẩm quyền cưỡng chế của Tòa án Công lý Quốc tế. Qatar cũng có quan hệ song phương với nhiều cường quốc. Qatar chứa căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ và Anh, là trung tâm của toàn bộ hoạt động hàng không của Mỹ và Anh tại vịnh Ba Tư. Mặc dù sở hữu căn cứ chiến lược này, Qatar không phải luôn là một đồng minh nhiệt tình của phương Tây. Qatar từng cho phép Taliban lập một văn phòng chính trị và có quan hệ mật thiết với Iran, bao gồm chia sẻ một mỏ khí đốt. Theo các văn kiện bị rò rỉ trên The New York Times, thành tích của Qatar về các nỗ lực chống khủng bố là “tệ nhất trong khu vực”. Bức điện cho rằng cơ quan an ninh của Qatar “do dự về hành động chống lại các phần tử khủng bố đã được nhận dạng do lo ngại tỏ ra liên kết với Hoa Kỳ và kích động trả thù”. Qatar có quan hệ hỗn hợp với các láng giềng trong khu vực vịnh Ba Tư. Qatar ký một thoả thuận hợp tác phòng thủ với Iran, hai quốc gia chỉa sẻ mỏ khí đốt đơn lẻ lớn nhất thế giới. Qatar là quốc gia thứ nhì sau Pháp công khai tuyên bố công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya là chính phủ hợp pháp của Libya trong bối cảnh nội chiến Libya 2011. Năm 2014, quan hệ giữa Qatar với Bahrain, Ả Rập Xê Út, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở nên căng thẳng do Qatar ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhóm cực đoan tại Syria. Tính đến năm 2015, Qatar, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ Quân đội Chinh phục, một nhóm chống chính phủ trong Nội chiến Syria bao gồm Mặt trận Al-Nusra và liên minh Salafi khác là Ahrar ash-Sham. Qatar ủng hộ tổng thống dân cử Mohamed Morsi của Ai Cập thông qua ngoại giao và mạng lưới truyền thông Al Jazeera trước khi ông ta bị hạ bệ do đảo chính. Mối liên kết giữa Qatar với Hamas được báo cáo lần đầu vào đầu năm 2012, hứng chịu chỉ trích từ Israel, Hoa Kỳ, Ai Cập và Ả Rập Xê Út, “những nước buộc tội Qatar phá hoại ổn định khu vực bằng cách ủng hộ Hamas.” Tháng 6 năm 2017, Bahrain, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Yemen (chính phủ Hadi), Libya (chính phủ Hòa hợp Quốc gia) và Maldives chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. 3 Địa lý Bán đảo Qatar nhô ra 160 km vào vịnh Ba Tư, nằm giữa vĩ tuyến 24° và 27° Bắc, giữa kinh tuyến 50° và 52° Đông. Hầu hết lãnh thổ gồm một đồng bằng thấp và khô cằn, phủ đầy cát. Về phía đông nam có Khor al Adaid (“biển nội địa”), một khu vực có các đụn cát lăn bao quanh một vịnh nhỏ của vịnh Ba Tư. Điểm cao nhất tại Qatar là Qurayn Abu al Bawl với cao độ 103 m tại Jebel Dukhan ở phía đông, nó là một dãy đá vôi lộ đỉnh chạy theo chiều bắc-nam từ Zikrit qua Umm Bab đến biên giới phía nam. Khu vực Jebel Dukhan cũng có mỏ dầu trên bộ chính của Qatar, trong khi các mỏ khí đốt nằm ở ngoài khơi, về phía tây bắc của bán đảo. Qatar ký kết Công ước về Đa dạng sinh học vào ngày 11 tháng 6 năm 1992, và trở thành một bên của công ước vào ngày 21 tháng 8 năm 1996. Sau đó nước này đưa ra một kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học, được công ước thừa nhận vào năm 2005. Tổng cộng 142 loài nấm được phát hiện tại Qatar. Một cuốn sách gần đây của Bộ Môi trường dẫn ra rằng các loài thằn lằn được biết hoặc được cho là tồn tại trong Qatar, dựa trên một nghiên cứu quốc tế. Trong hai thập niên, Qatar có lượng phát thải CO2 bình quân cao nhất thế giới, đạt 49,1 tấn trên người vào năm 2008. Người dân Qatar cũng nằm trong số tiêu thụ nước bình quân cao nhất thế giới, mỗi người trung bình sử dụng khoảng 400 lít nước mỗi ngày. Năm 2008, Qatar phát động Tầm nhìn quốc gia 2030, trong đó nhấn mạnh phát triển môi trường là một trong bốn mục tiêu chính của Qatar trong hai thập niên sau. Tầm nhìn quốc gia cam kết phát triển lựa chọn thay thế bền vững cho năng lượng dựa trên dầu mỏ nhằm bảo vệ môi trường địa phương và toàn cầu. 4 Hành chính Từ năm 2004, Qatar được chia thành bảy thành phố: Madinat ash Shamal, Al Khor, Umm Salal, Al Daayen, Al Rayyan, Doha, Al Wakrah. Các thành phố được chia nhỏ thành 98 khu vực. 5 Kinh tế Trước khi phát hiện được dầu mỏ, kinh tế Qatar tập trung vào ngư nghiệp và tìm kiếm ngọc trai. Báo cáo của thống đốc địa phương thuộc đế quốc Ottoman vào năm 1892 viết rằng tổng thu nhập từ tìm kiếm ngọc trai vào năm 1892 là 2.450.000 kran. Sau khi ngọc trai nuôi cấy của Nhật Bản xuất hiện trên thị trường thế giới vào thập niên 1920 và 1930, ngành công nghiệp ngọc trai của Qatar phá sản. Phát hiện thấy dầu mỏ tại Qatar vào năm 1940, tại mỏ Dukhan. Dầu mỏ từ đó biến đổi kinh tế Qatar, và hiện nay đây là quốc gia có tiêu chuẩn sinh hoạt cao (đối với các công dân). Qatar không áp thuế thu nhập, và là một trong các quốc gia có mức thuế thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 năm 2013 là 0,1%. Luật doanh nghiệp yêu cầu công dân Qatar cần phải nắm giữ 51% của bất kỳ dự án kinh doanh nào tại đây. Tính đến năm 2016, Qatar có GDP/người cao thứ tư trên thế giới, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Qatar phụ thuộc cao độ vào người lao động ngoại quốc để phát triển kinh tế, quy mô công nhân di cư lên đến 86% dân số và 94% lực lượng lao động (theo một tường thuật vào năm 2015). Tăng trưởng kinh tế của Qatar hầu như chỉ dựa trên ngành dầu khí. Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng hàng đầu thế giới. Năm 2012, một ước tính cho rằng Qatar sẽ đầu tư trên 120 tỷ USD vào lĩnh vực năm lượng trong khoảng 10 năm sau đó. Qatar là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), gia nhập tổ chức này từ năm 1961. Năm 2012, Qatar giữ được vị trí quốc gia giàu nhất thế giới (xét theo thu nhập bình quân) lần thứ ba liên tiếp, sau khi vượt qua Luxembourg vào năm 2010. Theo nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế tại Washington, D.C., GDP/người của Qatar xét theo ngang giá sức mua (PPP) là 106.000 USD (387.000 riyal Qatar) vào năm 2012. Theo nghiên cứu này thì GDP của Qatar đạt 182 tỷ USD vào năm 2012 và được cho là lên mức cao nhất trong lịch sử do xuất khẩu khí đốt gia tăng và giá dầu cao. Nghiên cứu cho biết rằng Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) có tài sản 115 tỷ USD, xếp hạng 12 trong số các quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Cơ quan Đầu tư Qatar được thành lập vào năm 2005, là quỹ đầu tư quốc gia chuyên về đầu tư ra nước ngoài. Sở hữu hàng tỷ USD thu được từ ngành dầu khí, chính phủ Qatar tiến hành đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ, châu Âu, và châu Á-Thái Bình Dương. Qatar Holding là nhánh đầu tư quốc tế của cơ quan, và kể từ năm 2009 Qatar Holding mỗi năm nhận được 30-40 tỷ USD từ nhà nước. Tính đến năm 2014, thể chế này đã đầu tư khắp thế giới trong các công ty như Valentino, Siemens, Printemps, Harrods, The Shard, Barclays Bank, sân bay Heathrow, Paris Saint-Germain F.C., Volkswagen Group, Royal Dutch Shell, Bank of America, Tiffany, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Sainsbury’s, BlackBerry, and Santander Brasil. Tính đến năm 2012, Qatar có trữ lượng dầu mỏ được xác minh là 15 tỷ thùng, còn các mỏ khí đốt tại đây chiếm hơn 13% trữ lượng toàn cầu. Nhờ đó, Qatar trở thành quốc gia giàu có hàng đầu thế giới, không ai trong số hai triệu cư dân tại đây sống trước mức nghèo khổ và tỷ lệ thất nghiệp là dưới 1%. Kinh tế Qatar chịu suy thoái trong giai đoạn từ 1982 đến 1989. OPEC đặt hạn ngạch về sản lượng dầu thô, giá dầu thấp, và triển vọng nhìn chung không khả quan của thị trường quốc tế làm giảm thu nhập từ dầu mỏ. Để đối phó, chính phủ Qatar cắt giảm chi tiêu, kết quả là môi trường kinh doanh địa phương suy thoái khiến nhiều hãng cắt giảm nhân viên ngoại kiều. Do kinh tế phục hồi trong thập niên 1900, số lượng ngoại kiều lại tăng lên. Sản lượng dầu sẽ không còn đạt đỉnh 500.000 thùng (80.000 m³) mỗi ngày do các mỏ dầu dự kiến sẽ hầu như cạn kiệt đến năm 2023. Tuy nhiên, Qatar có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn tại duyên hải đông bắc. Kinh tế Qatar bùng nổ vào năm 1991 khi hoàn thành giai đoạn I trị giá 1,5 tỷ USD phát triển khí đốt North Field. Năm 1996, Qatargas đặt kế hoạch bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng sang Nhật Bản. Các giai đoạn tiếp theo của phát triển khí đốt North Field trị giá nhiều tỷ USD. Các dự án công nghiệp năng của Qatar đều nằm tại Umm Said, gồm một nhà máy lọc dầu có công suất 50.000 thùng (8.000 m³) mỗi ngày, một nhà máy phân bón urea và ammoniac, một nhà máy thép, và một nhà máy hoá dầu. Toàn bộ đều sử dụng khí đốt làm nhiên liệu, và hầu hết là liên doanh giữa các hãng châu Âu và Nhật Bản với công ty quốc doanh Qatar Petroleum (QGPC). Hoa Kỳ là nhà cung cấp thiết bị lớn cho ngành dầu khí Qatar, và các công ty Hoa Kỳ đóng vai trò lớn trong phát triển khí đốt North Field. Tầm nhìn quốc gia 2030 của Qatar đặt ra việc đầu tư vào các nguồn tái tạo thành một mục tiêu lớn của nước này trong giai đoạn tới. Qatar theo duổi chương trình “Qatar hoá”, theo đó toàn bộ thể chế liên doanh và cơ quan chính phủ phấn đấu để đưa công dân Qatar vào các vị trí quyền lực cao hơn. Ngày càng nhiều người Qatar tiếp nhận giáo dục tại nước ngoài, trong đó nhiều người du học tại Hoa Kỳ và trở về quê hương để giữ các chức vụ chủ chốt vốn trước đây do ngoại kiều nắm giữ. Nhằm kiểm soát dòng công nhân ngoại quốc, Qatar tiến hành thắt chặt quản lý các chương trình nhân lực ngoại quốc của họ. An ninh là nền tảng chính trong các quy tắc và điều lệ nhập cảnh và nhập cư nghiêm ngặt của Qatar. 6 Nhân khẩu Số người tại Qatar dao động đáng kể theo mùa, do quốc gia này dựa nhiều vào lao động di cư. Vào đầu năm 2017, tổng dân số Qatar là 2,6 triệu, trong đó 313.000 người là công dân Qatar (12%) và 2,3 triệu người là ngoại kiều. Người ngoại quốc phi Ả Rập chiếm đa số dân số; người Ấn Độ là cộng đồng lớn nhất với số lượng là 650.000 năm 2017, tiếp đến là 350.000 người Nepal,280.000 người Bangladesh,260.000 người Philippines,200.000 người Ai Cập,145.000 người Sri Lanka và 125.000 người Pakistan. Dữ liệu nhân khẩu đầu tiên của Qatar là từ năm 1892, theo đó cư dân trong các đô thị tại Qatar đạt 9.830 người. Theo điều tra nhân khẩu năm 2010, tổng dân số Qatar là 1.699.435. Trong tháng 1 năm 2013, Cơ quan Thống kê Qatar ước tính dân số quốc gia đạt 1.903.447, trong đó 1.405.164 là nam và 498.283 là nữ. Trong cuộc điều tra nhân khẩu lần đầu tiên vào năm 1970, dân số đạt 111.133. Dân số tăng gấp ba lần trong một thập niên cho đến năm 2011, từ mức hơn 600.000 người vào năm 2001, khiến công dân Qatar chiếm ít hơn 15% tổng dân số. Dòng lao động nam giới làm lệch cân bằng giới tính, và nữ giới hiện chỉ chiếm một phần tư dân số. Dự báo của Cơ quan Thống kê Qatar cho rằng tổng dân số Qatar có thể đạt 2,8 triệu đến năm 2020. Chiến lược Phát triển Quốc gia Qatar (2011-16) ước tính rằng dân số quốc gia sẽ đạt 1,86 triệu vào năm 2016 với tốc độ tăng trưởng là 2,1% mỗi năm. Tuy nhiên dân số tăng lên đến 1,83 triệu vào cuối năm 2012, tăng trưởng 7,5% so với năm trước đó. Hồi giáo là tôn giáo chi phối tại Qatar và được hưởng vị thế chính thức. Hầu hết các công dân Qatar thuộc phong trào Hồi giáo Salafi của hệ Sunni, và khoảng 20% người Hồi giáo tại Qatar theo Hồi giáo Shia còn các phái Hồi giáo khác có rất ít tín đồ, Thành phần tôn giáo của cư dân Qatar: 67,7% là người Hồi giáo,13,8% là người Cơ Đốc giáo,13,8% là người Ấn Độ giáo và 3,1% là người Phật giáo, những tín đồ tôn giáo khác hoặc không liên kết tôn giáo chiếm 1,6% còn lại. Tín đồ Cơ Đốc giáo tại Qatar hầu như đều là người ngoại quốc. Kể từ năm 2008, tín đồ Cơ Đốc giáo được phép xây nhà thờ trên khu đất do chính phủ tặng, song hoạt động truyền giáo từ ngoại quốc không được khuyến khích một cách chính thức. Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức tại Qatar, phương ngữ địa phương là tiếng Ả Rập Qatar. Tiếng Anh được sử dụng phổ biến trong vai trò ngôn ngữ thứ hai, và ngày càng trở thành một ngôn ngữ chung, đặc biệt là trong thương nghiệp, đến mức độ người ta phải tiến hành các bước đi nhằm bảo vệ tiếng Ả Rập trước nạn xâm lấn của tiếng Anh. Tiếng Anh đặc biệt hữu dụng khi giao thiệp với cộng đồng ngoại kiều đông đảo tại Qatar. Do Qatar là một quốc gia đa văn hoá, nên có nhiều ngôn ngữ được nói tại đây, như tiếng Baluch, Hindi, Malayalam, Urdu, Pashto, Tamil, Telugu, Nepal, Sinhala, Bengal, và Tagalog, Indonesia. 7 Văn hoá Văn hoá Qatar tương tự như văn hoá các quốc gia khác tại miền đông của bán đảo Ả Rập, chịu ảnh hưởng đáng kể của Hồi giáo. Ngày Quốc khánh Qatar được tổ chức vào 18 tháng 12 hàng năm, và có vai trò quan trọng trong phát triển ý thức bản sắc dân tộc. Ngày này được tổ chức để kỷ niệm sự kiện Jassim bin Mohammed Al Thani kế vị và ông sau đó thống nhất các bộ lạc trên bán đảo. Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo tại Doha được khai trương vào năm 2008, được cho là một trong các bảo tàng tốt nhất khu vực. Nó cùng một vài bảo tàng khác của Qatar, như Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Ả Rập, nằm dưới quyền quản lý của Cơ quan Bảo tàng Qatar có lãnh đạo là Công chúa Al-Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al-Thani và nhà sưu tập trứ danh Sheikh Hassan bin Mohammed Al Thani. Qatar là khách hàng lớn nhất thế giới trong thị trường nghệ thuật nếu xét theo giá trị. Lĩnh vực văn hoá của Qatar đang được phát triển để khiến quốc gia này được thế giới công nhận, đóng góp cho sự phát triển của một quốc gia chủ yếu dựa vào khí đốt. Truyền thông tại Qatar được phân loại là “không tự do” trong báo cáo Tự do Báo chí năm 2014 của Freedom House. Truyền hình bắt đầu phát sóng tại Qatar vào năm 1970. Al Jazeera là hệ thống truyền hình lớn, có trụ sở tại Doha, Qatar. Al Jazeera phát sóng lần đầu vào năm 1996, và kể từ đó phát triển thành một hệ thống toàn cầu gồm một vài kênh truyền hình. Có tường thuật rằng các nhà báo tiến hành tự kiểm duyệt, đặc biệt là nội dung liên quan đến chính phủ và hoàng tộc Qatar. Chỉ trích chính phủ, tiểu vương và hoàng tộc trên truyền thông là điều bất hợp pháp. Theo Điều 46 trong luật báo chí thì tiểu vương không thể bị chỉ trích. Các nhà báo cũng bị truy tố vì lăng mạ Hồi giáo. Tính đến năm 2010, có bảy báo được lưu hành tại Qatar, trong đó bốn báo viết bằng tiếng Ả Rập và ba báo viết bằng tiếng Anh. Ngoài ra còn có các báo từ Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka được in tại Qatar. Âm nhạc Qatar dựa trên thơ, ca và vũ đạo Bedouin (dân du mục Ả Rập). Các vũ đạo truyền thống được trình diễn tại Doha vào chiều thứ 6; một trong số đó là Ardah, một điệu nhảy thượng võ được cách điệu với hai hàng vũ công cùng một dàn nhạc cụ gõ như trống hay chũm choẹ. Các nhạc cụ dây như oud và rebaba cũng được sử dụng phổ biến. Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar, cả về số vận động viên và khán giả. Đội tuyển U-20 quốc gia Qatar từng giành ngôi vị á quân trước Tây Đức tại giải vô địch thế giới năm 1981. Tháng 1 năm 2011, Qatar đăng cai giải vô địch bóng đá châu Á lần thứ 15. Trước đó Qatar từng đăng cai giải đấu này vào năm 1988. Năm 2010, Qatar giành quyền đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022, dù trước đó chưa từng giành quyền vào vòng chung kết của giải đấu. Các môn thể thao đội tuyển khác từng đạt được thành công đáng kể tại trình độ cao cấp. Năm 2015, đội tuyển bóng ném Qatar đạt ngôi á quân trước Pháp tại giải vô địch thế giới cho nam giới. Năm 2014, Qatar giành ngôi vô địch thế giới trong môn bóng rổ 3x3. 7.1 Giáo dục Qatar thuê RAND Corporation của Hoa Kỳ để cải cách hệ thống giáo dục 12 năm của mình. Thông qua Qatar Foundation, quốc gia này cho xây dựng Education City (thành phố giáo dục), tại đó có các chi nhánh địa phương của Học viện Y Weill Cornell, Trường Khoa học máy tính Carnegie Mellon, Trường Ngoại vụ Đại học Georgetown, Trường Báo chí Đại học Northwestern, Trường Công nghệ Đại học Texas A&M, và các thể chế phương Tây khác. Tỷ lệ mù chữ tại Qatar là 3,1% đối với nam giới và 4,2% đối với nữ giới theo số liệu năm 2012, đây là mức thấp nhất trong thế giới Ả Rập, song đứng thứ 86 trên thế giới. Các công dân được yêu cầu theo học tại cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến trung học. Đại học Qatar được thành lập vào năm 1973, là cơ sở lâu năm nhất và lớn nhất toàn quốc về giáo dục bậc đại học. Trong tháng 11 năm 2002, Tiểu vương Hamad bin Khalifa Al Thani cho lập ra Hội đồng Giáo dục Tối cao. Hội đồng chỉ đạo và quản lý giáo dục ở mọi độ tuổi từ mầm non đến đại học, bao gồm sáng kiến “Giáo dục cho thời đại mới” có mục đích định vị Qatar là một thủ lĩnh về cải cách giáo dục. Năm 2008, Qatar cho lập ra Công viên Khoa học & Kỹ thuật Qatar tại Education City nhằm liên kết các đại học này với ngành công nghiệp. Education City còn có trường tú tài quốc tế được công nhận hoàn toàn, Viện hàn lâm Qatar. Ngoài ra, hai cơ sở của Canada là Học viện North Atlantic (trụ sở tại Newfoundland và Labrador) và Đại học Calgary đã khánh thành khu học xá của họ tại Doha. Cũng có các đại học phi lợi nhuận khác lập khu học xá tại Doha. Năm 2012, Qatar xếp hạng thấp trong kiểm tra PISA về toán, đọc hiểu và kỹ năng cho trẻ 15-16 tuổi, tương đương với Colombia hay Albania. |