Myanmar hay còn gọi là Miến Điện, Diến Điện, tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia có chủ quyền tại Đông Nam Á có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biền giáp với vịnh Bengal và biển Andaman. Theo số liệu điều tra nhân khẩu năm 2014, Myanmar có 51 triệu cư dân. Myanmar có diện tích 676.578 km². Thành phố thủ đô là Naypyidaw còn thành phố lớn nhất là Yangon. Các nền văn minh ban đầu tại Myanmar gồm có các thị quốc Pyu nói tiếng Tạng-Miến tại khu vực Thượng Miến và các vương quốc Mon tại khu vực Hạ Miến. Đến thế kỷ IX, người Miến tiến đến thung lũng Thượng Irrawaddy, họ lập nên Vương quốc Pagan trong thập niên 1050, và sau đó ngôn ngữ-văn hóa Miến cùng Phật giáo Nam Tông dần dần chiếm ưu thế tại Myanmar. Vương quốc Pagan sụp đổ trước các cuộc xâm chiếm của quân Mông Cổ, và xuất hiện một số quốc gia thường xuyên giao chiến. Đến thế kỷ XVI, Myanmar tái thống nhất dưới Triều Taungoo, sau đó từng trở thành quốc gia lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á. Đến đầu thế kỷ XIX, lãnh thổ của triều Konbaung bao gồm Myanmar ngày nay và cũng từng kiểm soát Manipur và Assam trong thời gian ngắn. Người Anh chiếm được Myanmar sau ba cuộc chiến tranh trong thế kỷ XIX và quốc gia này trở thành một thuộc địa của Anh. Myanmar trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1948, ban đầu là một quốc gia dân chủ, song nằm dưới chế độ độc tài quân sự sau cuộc đảo chính năm 1962. Trong hầu hết thời gian độc lập, Myanmar xảy ra xung đột dân tộc tràn lan, trở thành một trong các cuộc nội chiến kéo dài nhất vẫn đang diễn ra. Trong thời gian này, Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức khác ghi nhận các vi phạm nhân quyền tại đây. Năm 2011, chính quyền quân sự chính thức giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010, và một chính phủ dân sự trên danh nghĩa nhậm chức. Mặc dù các lãnh đạo quân sự cũ vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, song quân đội tiến hành các bước nhằm từ bỏ kiểm soát chính phủ. Điều này cùng với hành động phóng thích Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị, đã cải thiện hồ sơ nhân quyền và quan hệ ngoại giao của Myanmar, kéo theo nới lỏng các chế tài mậu dịch và kinh tế khác. Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội. Myanmar giàu tài nguyên ngọc thạch và đá quý, dầu mỏ, khí thiên nhiên và các loại khoáng sản khác. Năm 2016, GDP danh nghĩa ở mức 68.277 tỷ USD và GDP theo sức mua tương đương đạt 6,501 tỷ USD. Khoảng cách thu nhập tại Myanmar nằm vào hàng rộng nhất trên thế giới, do phần lớn kinh tế nằm dưới quyền kiểm soát của những người ủng hộ chính phủ quân sự cũ. Tính đến năm 2014, Myanmar có chỉ số phát triển con người HDI ở mức thấp, xếp thứ 148 trong số 188 quốc gia được đánh giá.
1 Tên gọi
“Miến Điện” hay “Diến Điện” là tên nước này được người Việt Nam đọc theo cách gọi của người Trung Quốc. “Miến” có nghĩa là xa tắp, xa vời, xa tít tắp. “Điện” là chỉ vùng đất nằm bên ngoài “giao”. Theo cách gọi của người Trung Quốc thì tường trong của thành gọi là “thành”, tường ngoài gọi là “quách”. Vùng ngoại vi của quách gọi là “giao”. Vùng đất bên ngoài giao gọi là “điện”, cách thành khoảng từ một trăm dặm trở lên. “Miến Điện” ý là vùng ngoại thành xa xôi. Myanma là tên gọi bắt nguồn từ tên địa phương Myanmar Naingngandaw. Nó được sử dụng vào đầu thế kỷ XII nhưng nguồn gốc của nó vẫn còn chưa được sáng tỏ. Một gốc của tên gọi này là từ Brahmadesh trong tiếng Phạn có nghĩa là “mảnh đất của Brahma”, vị thần Hindu của mọi sinh vật. Năm 1989, hội đồng quân sự đổi tên tiếng Anh từ Burma thành Myanmar, cùng với nhiều thay đổi trong tên gọi tiếng Anh của nhiều vùng trong đất nước, chẳng hạn tên gọi trước kia của thủ đô đổi từ Rangoon thành Yangon. Tuy vậy, tên chính thức của đất nước trong tiếng Myanma là Myanma vẫn không đổi. Trong tiếng Myanmar, Myanmar là tên quốc gia, trong khi Bama (Burma lấy nguồn gốc từ đây) là tên gọi thông tục. Sự thay đổi trong tên gọi là biểu hiện của một cuộc tranh cãi chính trị. Nhiều nhóm người Myanmar tiếp tục sử dụng tên “Burma” vì họ không chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự cũng như sự đổi tên đất nước. Một vài chính phủ phương tây, chẳng hạn Hoa Kỳ, Úc, Ireland và Anh tiếp tục sử dụng tên “Burma”, trong khi Liên minh châu Âu sử dụng cả hai. Liên Hợp Quốc sử dụng tên “Myanmar”. Việc sử dụng tên “Burma” vẫn còn phổ biến ở Hoa Kỳ và Anh. Trong tiếng Anh, người ta vẫn dùng từ “Burmese” như một tính từ. Sau khi giành được độc lập từ Đế quốc Anh, Myanmar đã sử dụng các quốc hiệu sau: Liên bang Burma: 1948-1974 Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Burma: 1974-1988 Liên bang Myanmar: 1988-2010 (từ năm 1989 thì quốc hiệu tiếng Anh dùng Myanmar thay cho Burma) Cộng hòa Liên bang Myanmar: 2010-nay
2 Lịch sử
Người Môn được cho là nhóm người đầu tiên di cư tới vùng hạ lưu châu thổ sông Ayeyarwady (ở phía nam Myanma) và tới khoảng giữa thập niên 900 trước Công nguyên họ đã giành quyền kiểm soát khu vực này. Sau đó, vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên, người Pyu di cư tới đây và tiến tới xây dựng các thành bang có quan hệ thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, mạnh nhất là vương quốc Sri Ksetra, nhưng nó bị từ bỏ năm 656. Sau đó, một quá trình tái lập quốc diễn ra, nhưng đến giữa thập niên 800 thì bị người Nam Chiếu xâm lược. Vào khoảng trước những năm 800, người Bamar (người Miến Điện) bắt đầu di cư tới châu thổ Ayeyarwady từ Tây Tạng hiện nay. Tới năm 849, vương quốc họ đã thành lập xung quanh trung tâm Pagan trở nên hùng mạnh. Trong giai đoạn Anawratha trị vì (1044-1077), người Miến Điện đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp Myanmar hiện nay. Tới thập niên 1100, nhiều vùng lớn thuộc lục địa Đông Nam Á đã thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Pagan, thường được gọi là Đế chế Miến Điện thứ nhất với kinh đô tại Mandalay. Tới cuối thập niên 1200, Hốt Tất Liệt đã thống lĩnh quân Mông Cổ xâm lược Vương quốc Pagan, nhưng tới năm 1364 người Miến Điện đã tái lập vương quốc của họ tại Ava, nơi văn hóa Miến Điện bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, vào năm 1527 người Shan cướp phá Ava. Trong lúc ấy người Mon thiết lập địa điểm mới của họ tại Pegu, nơi này đã trở thành một trung tâm tôn giáo và văn hóa lớn. Những người Miến Điện đã phải chạy trốn khỏi Ava thành lập Vương quốc Toungoo năm 1531 tại Toungoo, dưới quyền Tabinshwehti, người đã tái thống nhất Miến Điện và lập ra Đế chế Miến Điện thứ hai. Vì sự ảnh hưởng ngày càng tăng từ châu Âu ở Đông Nam Á, Vương quốc Toungoo trở thành một trung tâm thương mại lớn. Bayinnaung đã mở rộng đế chế bằng cách chinh phục các lãnh thổ Manipur, Chiang Mai, Ayutthaya, Shan, Nagaland, Tripura, Mizoram, Assam, Sikkim, Bhutan, Chittagong, Dhaka, Rajshahi, Rangpur và một số vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc gồm Đức Hoành, Nộ Giang, Bảo Sơn và Phổ Nhĩ. Những cuộc nổi loạn bên trong cũng như sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên cần thiết để kiểm soát các vùng mới giành được dẫn tới sự sụp đổ của Vương quốc Toungoo. Anaukpetlun, người đã đẩy lùi cuộc xâm lăng của Bồ Đào Nha, đã lập nên một vương triều mới tại Ava năm 1613. Cuộc nổi dậy trong nước của người Mon, với sự trợ giúp của Pháp, khiến vương quốc sụp đổ năm 1752. Alaungpaya thành lập nên Triều đại Konbaung và Đế chế Miến Điện thứ ba vào khoảng thập niên 1700. Năm 1767, Vua Hsinbyushin chinh phục Ayutthaya và Ceylon dẫn tới việc văn hóa Thái Lan và văn hóa Ceylon có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Miến Điện. Nhà Thanh (Trung Quốc) lo ngại sự lớn mạnh của Miến Điện, đã bốn lần xâm lược nước này trong khoảng thời gian từ 1766 đến 1769 nhưng không lần nào thành công. Các triều đại sau này mất quyền kiểm soát Ayutthaya, nhưng chiếm thêm được Arakan và Tenasserim. Dưới thời cai trị của Vua Bagyidaw, năm 1824, Mahabandoola chiếm Assam, sát lãnh thổ Anh ở Ấn Độ, gây nên một cuộc chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh Anh-Miến (1823-26,1852-53 và 1885-87), Miến Điện mất một số lãnh thổ vào tay người Anh và trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh. Ngày 1 tháng 4 năm 1937, Miến Điện trở thành một thuộc địa hành chính riêng biệt, độc lập khỏi quyền hành chính Ấn Độ. Trong thập niên 1940, Ba mươi chiến hữu, do Aung San lãnh đạo đã lập nên Quân đội Miến Điện độc lập. Ba mươi chiến hữu được huấn luyện quân sự tại Nhật Bản. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai Miến Điện trở thành một mặt trận chính tại Mặt trận Đông Nam Á. Sau những thắng lợi ban đầu của Nhật Bản tại Mặt trận Miến Điện, trong đó người Anh bị đẩy lùi khỏi đa phần Miến Điện, Đồng Minh đã phản công. Tới tháng 7 năm 1945 họ đã chiếm lại toàn bộ nước này. Người Miến Điện chiến đấu cho cả hai phía trong cuộc chiến. Họ chiến đấu trong Đội quân Miến Điện Anh năm 1941-1942. Năm 1943, Chin Levies và Kachin Levies đã được thành lập ở các quận biên giới Miến Điện và vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Anh. Đội quân Miến Điện chiến đấu trong thành phần Chindit dưới quyền Tướng Orde Wingate từ 1943-1945. Ở giai đoạn sau của cuộc chiến, người Mỹ đã lập ra Đội biệt kích Kachin-Hoa Kỳ cũng chiến đấu cho quân Đồng Minh. Nhiều người Miến Điện khác chiến đấu trong lực lượng SOE của Anh. Quân đội Miến Điện độc lập dưới quyền chỉ huy của Aung San và Quân đội quốc gia Arakan đã chiến đấu với Nhật Bản từ 1942-1944, nhưng đã nổi lên chống lại người Nhật năm 1945. Năm 1947, Aung San trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban hành pháp Miến Điện, một chính phủ chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 7 năm 1947, các đối thủ chính trị đã ám sát Aung San và nhiều thành viên chính phủ khác. Ngày 4 tháng 1 năm 1948, quốc gia này trở thành một nước cộng hòa độc lập, với cái tên Liên bang Myanmar, với Sao Shwe Thaik là tổng thống đầu tiên và U Nu là thủ tướng. Không giống như đa số các thuộc địa của Anh, nước này không trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh bởi vì họ đã giành lại độc lập trước khi Khối thịnh vượng chung cho phép các nước cộng hòa trở thành một thành viên của nó. Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập gồm Viện đại biểu và Viện quốc gia. Vùng địa lý hiện nay của Myanmar có thể suy ngược từ Thỏa ước Panglong, là toàn bộ Miến Điện gồm Hạ Miến và Thượng Miến và Các vùng biên giới, đã từng được quản lý hành chính độc lập bởi Anh Quốc. Năm 1961 U Thant, khi ấy là Đại biểu thường trực của Miến Điện tại Liên hiệp quốc và cựu Thư ký Thủ tướng, được bầu làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc; ông là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây lãnh đạo một tổ chức quốc tế nào cho tới lúc ấy và đã đảm nhiệm chức vụ này trong vòng mười năm. Trong số những người Miến Điện làm việc tại Liên hiệp quốc khi ông đang giữ chức Tổng thư ký có cô gái trẻ Aung San Suu Kyi. Giai đoạn dân chủ kết thúc năm 1962 với một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo. Ông này cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, Myanmar lấy quốc hiệu mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Miến Điện. Cùng năm này, đám tang của U Thant dẫn tới một cuộc biểu tình chống chính phủ đẫm máu. Năm 1988, Cuộc nổi dậy 8888 đẩy đất nước tới bờ vực cách mạng. Để đối phó, Tướng Saw Maung tiến hành một cuộc đảo chính. Ông thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang (SLORC). Myanmar quay trở lại quốc hiệu Liên bang Myanmar. Năm sau, quốc hiệu bằng tiếng Anh đổi từ Union of Burma thành Union of Myanmar. Năm 1989, thiết quân luật được ban bố sau những cuộc biểu tình rộng lớn. Các kế hoạch bầu cử Quốc hội đã hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1989. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong vòng 30 năm. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, thắng 392 trong tổng số 485 ghế, nhưng các kết quả của cuộc bầu cử đã bị SLORC huỷ bỏ và họ từ chối giao lại quyền lực. SLORC đổi tên Miến Điện (Burma) thành Myanmar năm 1989. Dưới sự lãnh đạo của Than Shwe, từ năm 1992 chính quyền quân sự đã tiến hành các thoả thuận ngừng bắn với các nhóm du kích thiểu số. Năm 1992, SLORC tiết lộ các kế hoạch thành lập một hiến pháp mới thông qua Hội nghị Quốc gia, bắt đầu ngày 9 tháng 1 năm 1993. Năm 1997, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang được đổi tên thành Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SPDC). Ngày 23 tháng 6 năm 1997, Myanmar được chấp nhận gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hội nghị Quốc gia tiếp tục được triệu tập và hoãn lại. Nhiều đảng chính trị lớn, đặc biệt Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đã bị trục xuất và có ít tiến bộ đã được hoàn thành. Ngày 27 tháng 3 năm 2006, hội đồng quân sự đã di chuyển thủ đô đất nước từ Yangon tới một địa điểm gần Pyinmana, đặt tên chính thức cho nó là Naypyidaw, có nghĩa “vùng đất của những ông vua”. Năm 2010, quốc hiệu của Myanmar đổi thành Cộng hòa Liên bang Myanmar, tiếng Anh: Republic of the Union of Myanmar).
3 Chính trị
Các đại biểu được bầu ra trong cuộc bầu cử Quốc hội nhân dân năm 1990 hình thành nên Liên minh Chính phủ Quốc gia Liên bang Miến Điện (NCGUB), một chính phủ hải ngoại vào tháng 12 năm 1990, với trách nhiệm vãn hồi nền dân chủ tại Myanma. Sein Win, người anh họ của Aung San Suu Kyi, là thủ tướng hiện thời của NCGUB. Tuy nhiên, NCGUB có rất ít quyền lực và đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Myanmar. Lãnh đạo Nhà nước hiện nay là Thống tướng Than Shwe, người giữ chức vụ “Chủ tịch Hội đồng Hòa Bình và Phát triển Quốc gia”. Ông nắm mọi quyền lực quan trọng, gồm quyền bãi nhiệm các bộ trưởng và các thành viên chính phủ, đưa ra các quyết định quan trọng trong vấn đề chính trị đối ngoại. Khin Nyunt từng là thủ tướng cho tới ngày 19 tháng 10 năm 2004, và đã bị thay thế bởi Tướng Soe Win, người có quan hệ mật thiết với Than Shwe. Đa số các bộ và các vị trí chính phủ đều do các sĩ quan quân đội nắm giữ, ngoại trừ Bộ y tế, Bộ giáo dục, Bộ lao động và Bộ kinh tế và kế hoạch quốc gia, do các viên chức dân sự quản lý. Các đảng chính trị lớn ở Myanmar gồm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, dù các hoạt động của họ bị chế độ quản lý chặt chẽ. Nhiều đàng khác, thường đại diện cho lợi ích của các dân tộc thiểu số thực sự có tồn tại. Tại Myanmar ít có khoan dung chính trị cho phe đối lập và nhiều đảng đã bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đảng Thống nhất Quốc gia đại diện cho quân đội, và được sự ủng hộ của một tổ chức to lớn tên gọi Hiệp hội Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển. Theo nhiều tổ chức, gồm cả Human Rights Watch và Amnesty International, chính quyền này có bản thành tích nhân quyền kém cỏi. Không có tòa án độc lập tại Myanmar và đối lập chính trị với chính phủ quân sự không hề được khoan dung. Truy cập Internet tại Myanmar bị hạn chế chặt chẽ thông qua các phần mềm lọc các trang web có thể truy cập đối với công dân, hạn chế đa số các trang đối lập chính trị và ủng hộ dân chủ. Lao động cưỡng bức, buôn người và lao động trẻ em là điều thông thường, và bất đồng chính trị không được khoan dung. Năm 1988, quân đội Myanmar đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình phản đối sự quản lý kinh tế yếu kém và sự áp bức chính trị. Ngày 8 tháng 8 năm 1988, quân đội nổ súng vào những người biểu tình trong vụ việc được gọi là cuộc Nổi dậy 8888 (Cuộc biểu tình 8888). Tuy nhiên, cuộc biểu tình năm 1988 đã dọn đường cho cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990. Kết quả của cuộc bẩu cử sau đó đã bị chính quyền bác bỏ. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, do Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thắng hơn 60% số phiếu và 80% ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử 1990, cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trong 30 năm. Aung San Suu Kyi được quốc tế công nhận là một nhà hoạt động vì dân chủ tại Myanmar, đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1991. Bà đã nhiều lần bị quản thúc tại gia. Dù có lời kêu gọi trực tiếp từ Kofi Annan tới Than Shwe và áp lực của ASEAN, hội đồng quân sự Myanmar vẫn kéo dài thời hạn quản thúc tại gia đối với Aung San Suu Kyi thêm một năm ngày 27 tháng 5 năm 2006 theo Luật Bảo vệ Quốc gia năm 1975, trao cho chính phủ quyền cầm giữ hợp pháp bất kỳ người nào. Hội đồng quân sự ngày phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Vào tháng 12 năm 2005, lần đầu tiên tình trạng của Myanmar đã được thảo luận không chính thức tại Liên hiệp quốc. ASEAN cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình với chính phủ Myanmar. Tổ chức này đã thành lập Cuộc họp kín liên nghị viện ASEAN để bàn bạc về sự thiếu dân chủ tại Myanma. Sự thay đổi chính trị lớn ở nước này hiện vẫn khó xảy ra, vì sự ủng hộ từ các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc. Ngày 8 tháng 11 năm 2015, hàng chục triệu người dân Myanmar đã đi bỏ phiếu với kỳ vọng vào tương lai trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 1990. Kết quả cuộc bầu cử được công bố cụ thể vào sáng ngày 10 tháng 11 năm 2015. Ước tính khoảng 10.000 quan sát viên đã có mặt theo dõi tiến trình bầu cử tại Myanmar. Chính phủ triển khai hơn 40.000 cảnh sát đặc nhiệm giám sát các điểm bầu cử. Rất nhiều chợ, nhà hàng ở Yangon đóng cửa để đảm bảo an toàn. Chiều ngày 10 tháng 11 năm 2015, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar tuyên bố đảng của bà giành khoảng 75% trong tổng số ghế Quốc hội. Trong đó, NLD có 96 ghế, bao gồm 49 ghế hạ viện. Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền chỉ có 3 ghế hạ viện. Tuy nhiên, quân đội Myanmar vẫn sẽ nắm giữ nhiều quyền lực chính trị. Ngày 30 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi chính thức trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của giới độc tài quân sự.
4 Quan hệ đối ngoại và Quân đội
Quan hệ nước ngoài của Myanmar, đặc biệt với các nước phương Tây, đã rơi vào tình trạng căng thẳng. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng lớn với Myanmar vì sự đàn áp quân sự năm 1988 và vì sự từ chối thừa nhận các kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990 của chế độ quân sự. Tương tự, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm vận lên Myanmar, gồm cả cấm vận vũ khí, ngừng ưu tiên thương mại và hoãn toàn bộ viện trợ ngoại trừ viện trợ nhân đạo. Những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chống lại chính phủ quân sự, cộng với sự tẩy chay và những sức ép trực tiếp khác từ người dân ở các nước phương Tây ủng hộ phong trào dân chủ Myanmar, khiến đa số các công ty Hoa Kỳ và châu Âu phải rời khỏi nước này. Tuy nhiên, nhiều công ty khác vẫn còn ở lại nhờ các kẽ hở của biện pháp cấm vận. Nói chung các tập đoàn ở châu Á vẫn muốn đầu tư vào Myanmar và tiến hành thực hiện các dự án đầu tư mới, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công ty dầu mỏ Pháp Total S.A. hiện đang điều hành đường ống dẫn khí Yadana từ Myanmar tới Thái Lan dù có lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu. Total hiện là bị đơn của nhiều vụ khiếu kiện tại Pháp liên quan tới cái gọi là mối quan hệ với những vụ vi phạm nhân quyền liên quan tới đường ống dẫn khí họ đang đồng sở hữu với các công ty Hoa Kỳ Chevron và Tatmadaw. Trước khi bị Chevron thâu tóm, Unocal đã giải quyết một vụ kiện tụng liên quan tới nhân quyền với phí tổn được thông báo lên tới nhiều triệu dollar. Vẫn còn những cuộc tranh cãi sôi nổi về việc liệu các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có mang lại kết quả trái ngược trên cuộc sống của người dân chứ không phải với những nhà cầm quyền quân sự. Chính sách đối ngoại của Myanmar là quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới đặc biệt với các nước láng giềng, khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Myanmar là thành viên của Tổ chức ASEAN, Phong trào không liên kết và Liên Hợp Quốc. Từ khi Myanmar được kết nạp vào ASEAN (tháng 7 năm 1997), quan hệ Myanmar với các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và cải thiện. Myanmar tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, kiên trì bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đồng thuận của ASEAN để bảo vệ lợi ích của mình. Hiện nay, Mỹ và EU điều chỉnh chính sách với Myanmar theo hướng mềm mỏng hơn, triển khai cả hai biện pháp là trừng phạt và tiếp cận nhằm đạt được cùng mục tiêu; Mỹ sẽ từng bước dỡ bỏ cấm vận và cải thiện quan hệ nếu Myanmar đáp ứng yêu cầu của Mỹ, có những tiến bộ thực chất. Tuy bị sức ép mạnh của chính quyền Mỹ và các nước phương Tây, nhưng quan hệ của Myanmar với các tổ chức phi chính phủ hoặc có tính nhân dân của các nước phương Tây, kể cả Mỹ, Anh vẫn được duy trì. Các nước này vẫn tiếp tục giúp đỡ Myanmar các dự án xây dựng trường học, giúp đào tạo y tế, dân sinh... Các lực lượng vũ trang Myanmar được gọi là Tatmadaw, với số lượng 488.000 người. Tatmadaw gồm các lực lượng vũ trang, hải quân và không quân. Myanmar được xếp hạng thứ 10 trên thế giới theo số lượng binh lính của mình. Quân đội có nhiều ảnh hưởng trong nước, các vị trí chủ chốt trong chính phủ và trong quân đội đều do các sĩ quan quân sự nắm giữ. Dù những con số chính thức về chi tiêu quân sự của Myanmar không được công bố, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong bảng xếp hạng hàng năm của mình đã đặt Myanmar trong số 15 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới. Đầu tháng 2/2011, Quốc hội Myanmar đã bầu Thủ tướng mãn nhiệm trước đây là tướng lãnh, ông Thein Sein làm tổng thống dân sự đầu tiên sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội.
5 Hành chính
Myanmar được chia thành 7 bang (Chin, Kachin, Kayin, Kayah, Mon, Rakhine, Shan) và 7 vùng hành chính (Ayeyarwady, Bago, Magway, Mandalay, Sagaing, Tanintharyi, Yangon). Vùng lớn nhất là Bamar (Tain.png). Các bang (Pyinè.png), thực chất, là các vùng sinh sống của một số sắc tộc đặc biệt. Các vùng hành chính được chia nhỏ tiếp thành các thành phố, khu vực và các làng. Các thành phố lớn được chia thành các quận. Các vùng và bang của Myanmar lại được chia thành các huyện. Shan là bang có nhiều huyện nhất (11 huyện). Các bang Chin, bang Mon và bang Kayah chỉ có hai huyện mỗi bang.
6 Địa lý
Myanmar có tổng diện tích 678.500 kilômét vuông (261.970 dặm vuông), là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á, và là nước lớn thứ 40 trên thế giới (sau Zambia). Nước này hơi nhỏ hơn bang Texas Hoa Kỳ và hơi lớn hơn Afghanistan. Myanmar nằm giữa Khu Chittagong của Bangladesh và Assam, Nagaland và Manipur của Ấn Độ ở phía tây bắc. Nó có đường biên giới dài nhất với Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc ở phía đông bắc với tổng chiều dài 2.185 km (1.358 dặm). Myanmar giáp biên giới với Lào và Thái Lan ở phía đông nam. Myanmar có đường bờ biển dài 1.930 km (1.199 dặm) dọc theo Vịnh Bengal và Biển Andaman ở phía tây nam và phía nam, chiếm một phần ba tổng chiều dài biên giới. Đồng bằng Ayeyarwady, diện tích gần 50.400 km², phần lớn canh tác lúa gạo. Ở phía bắc, núi Hengduan Shan tạo nên biên giới với Trung Quốc. Hkakabo Razi, nằm tại Bang Kachin, ở độ cao 5.881 m (19.295 feet), là điểm cao nhất Myanma. Các dãy núi Rakhine Yoma, Bago Yoma và Cao nguyên Shan nằm bên trong Myanmar, cả ba đều chạy theo hướng bắc-nam từ dãy Himalaya. Các dãy núi phân chia ba hệ thống sông của Myanmar, là Ayeyarwady, Thanlwin và Sittang. Sông Ayeyarwady, con sông dài nhất Myanmar, gần 2.170 km (1.348 dặm), chảy vào Vịnh Martaban. Các đồng bằng màu mỡ nằm ở các thung lũng giữa các dãy núi. Đa số dân cư Myanmar sống trong thung lũng Ayeyarwady, nằm giữa Rakhine Yoma và Cao nguyên Shan. Đa phần diện tích Myanmar nằm giữa Hạ chí tuyến và Xích đạo. Myanmar nằm trong vùng gió mùa châu Á, các vùng bờ biển của nó nhận lượng mưa trung bình 5.000 mm (197 in) hàng năm. Lượng mưa hàng năm tại vùng đồng bằng gần 2.500 mm (98 in), trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại Vùng Khô, nằm ở trung tâm Myanmar, chưa tới 1.000 mm (39 in). Các vùng phía bắc đất nước có khí hậu lạnh nhất, nhiệt độ trung bình 21 °C (70 °F). Các vùng duyên hải và đồng bằng có nhiệt độ trung bình 32 °C (90 °F). Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm của Myanmar góp phần giữ gìn môi trường và các hệ sinh thái. Rừng, gồm rừng nhiệt đới với loại gỗ tếch có giá trị kinh tế cao ở vùng hạ Myanmar, bao phủ 49% diện tích đất nước. Các loại cây khác mọc ở vùng này gồm cao su, cây keo, tre, lim, đước, dừa, cọ. Trên những cao nguyên phía bắc, sồi, thông, và nhiều giống đỗ quyên khác bao phủ đa phần diện tích. Những vùng đất dọc bờ biển có nhiều cây ăn trái nhiệt đới. Tại Vùng Khô, thực vật thưa thớt và còi cọc hơn. Các loại động vật rừng rậm tiêu biểu, đặc biệt hổ và báo có nhiều tại Myanmar. Ở vùng Thượng Myanmar, có tê giác, trâu rừng, lợn lòi, hươu, linh dương và voi nhà, sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp khai thác gỗ. Các loài có vú nhỏ hơn cũng rất nhiều từ vượn, khỉ tới cáo bay và heo vòi. Đáng chú ý là sự đa dạng các loài chim với hơn 800 loài gồm vẹt, peafowl, gà lôi, quạ, diệc và gõ kiến (paddybird). Trong số các loài bò sát có cá sấu, tắc kè, rắn mang bành, trăn và rùa. Hàng trăm loài cá nước ngọt, rất phong phú và là nguồn thực phẩm quan trọng. Năm 1994, đất canh tác 15,3% (2% có tưới), đồng cỏ 0,5%, rừng và cây bụi 49,3%, các đất khác 34,9%. Khoáng sản chính: dầu khí, thiếc, kẽm, antimon, đồng, vonfram, chì, than, đá quý.
7 Kinh tế
Myanmar là một trong những nước nghèo nhất thế giới với hàng thập kỷ ở trong tình trạng trì trệ, quản lý kém và bị cô lập. Sau khi một chính phủ nghị viện được thành lập năm 1948, Thủ tướng U Nu đã nỗ lực biến Miến Điện trở thành một quốc gia thịnh vượng. Chính quyền của ông đã thông qua Kế hoạch kinh tế hai năm nhưng tiếc thay đây là một kế hoạch sai lầm. Vụ đảo chính năm 1962 tiếp sau là một kế hoạch phát triển kinh tế được gọi là Con đường Miến Điện tiến tới Chủ nghĩa xã hội, một kế hoạch nhằm quốc hữu hóa mọi ngành công nghiệp, ngoại trừ nông nghiệp. Năm 1989, chính phủ Myanmar bắt đầu bãi bỏ kiểm soát tập trung hóa nền kinh tế và tự do hóa một số lĩnh vực kinh tế. Các ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận như ngọc, dầu khí và lâm nghiệp vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Gần đây những ngành này đã được một số tập đoàn nước ngoài liên doanh cùng chính phủ tham gia khai thác. Myanmar bị liệt vào hạng nước kém phát triển nhất năm 1987. Từ năm 1992, khi Than Shwe lên lãnh đạo quốc gia, chính phủ đã khuyến khích du lịch. Tuy nhiên, chưa tới 750.000 du khách tới nước này hàng năm. Các doanh nghiệp tư nhân thường là đồng sở hữu hay thuộc sở hữu trực tiếp của Tatmadaw. Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nỗ lực phát triển quan hệ với chính phủ nước này vì mục tiêu lợi ích kinh tế. Nhiều quốc gia khác, trong đó gồm cả Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu, đã áp đặt các lệnh cấm vận thương mại và đầu tư đối với Myanmar. Đầu tư nước ngoài chủ yếu từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Ở thời thuộc địa Anh, Miến Điện là một trong những nước giàu có nhất vùng Đông Nam Á. Đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và là nước cung cấp dầu khí thông qua Công ty Dầu khí Miến Điện. Miến Điện cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhân lực dồi dào. Họ sản xuất 75% lượng gỗ tếch của thế giới, và dân cư có tỷ lệ biết đọc biết viết cao. Nước này từng được tin tưởng sẽ có tương lai phát triển nhanh chóng. Ngày nay, Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Trao đổi hàng hóa chủ yếu qua biên giới với Thái Lan, và đó cũng là đầu mối xuất khẩu ma tuý lớn nhất, và dọc theo Sông Ayeyarwady. Đường sắt cũ kỹ và mới ở mức kỹ thuật sơ khai, hiếm khi được sửa chữa từ khi được xây dựng trong thập niên 1800. Đường giao thông thường không được trải nhựa, trừ tại các thành phố lớn. Thiếu hụt năng lượng là điều thường thấy trong nước, kể cả tại Yangon. Myanmar cũng là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới, chiếm 8% tổng lượng sản xuất toàn cầu và là nguôn cung cấp các tiền chất ma tuý lớn gồm cả amphetamines. Các ngành công nghiệp khác gồm sản phẩm nông nghiệp, dệt may, sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, kim cương, kim loại, dầu mỏ và khí ga. Việc thiếu hụt nguồn nhân công trình độ cao cũng là một vấn đề ngày càng tăng đối với kinh tế Myanma. Nông nghiệp chiếm 59,5% GDP và 65,9% lao động. Công nghiệp chế biến chiếm 7,1% GDP và 9,1% lao động; khai khoáng 0,5% GDP và 0,7% lao động; xây dựng 2,4% GDP và 2,2% lao động; thương mại 23,2% GDP và 9,7% lao động; tài chính, dịch vụ và công chính 1,5% GDP và 8,1% lao động. GDP/đầu người: 2.399 USD (1995); GNP/đầu người: 2610 USD (1996). Sản phẩm nông nghiệp chính (1999): lúa 17 triệu tấn, mía 5,4 triệu tấn, đậu 1,9 triệu tấn, lạc 562 nghìn tấn, ngô 303 nghìn tấn, vừng 210 nghìn tấn, bông 158 nghìn tấn. Chăn nuôi: bò 10,7 triệu, lợn 3,7 triệu, trâu 2,4 triệu, cừu và dê 1,7 triệu, vịt 6,1 triệu, gà 39 triệu. Gỗ tròn 22,4 triệu m³ (1998). Đánh bắt cá 917,7 nghìn tấn (1997). Sản phẩm công nghiệp chính: khai khoáng (đồng 14,6 nghìn tấn, thạch cao 40,6 nghìn tấn, chì 1,6 nghìn tấn, thiếc 154 tấn); chế biến (xi măng 513 nghìn tấn, phân hóa học 66 nghìn, đường 43 nghìn; 1996). Năng lượng (1996): điện 4,3 tỉ kW.h, than 72 nghìn tấn, dầu thô 2,8 triệu thùng, khí đốt 1,6 tỉ m³. Giao thông: đường sắt 3955 km (1999-2000), đường bộ 28,2 nghìn km (1996, rải nhựa 12%). Xuất khẩu (1997-98) 5,4 tỉ kyat (nông sản 26,9%, gỗ và cao su 15,7%). Bạn hàng chính: Singapore 13,2%; Thái Lan 11,9%; Ấn Độ 22,6%; Trung Quốc 10,6%; Hồng Kông 5,8%. Nhập khẩu (1997-98) 12,7 tỉ kyat (máy móc và thiết bị vận tải 28,6%, tư liệu sản xuất 48%, hàng tiêu dùng 4,3%). Bạn hàng chính: Singapore 31,1%, Thái Lan 9,8%, Trung Quốc 9,4%, Malaysia 7%. Đơn vị tiền tệ: kyat Myanmar. Tỷ giá hối đoái: 1USD = 983 kyat (11/2013) Tính đến năm 2016, GDP của Myanmar đạt 68.277 USD, đứng thứ 73 thế giới, đứng thứ 25 châu Á và đứng thứ 7 Đông Nam Á.
8 Nhân khẩu
Myanmar có dân số khoảng 40 tới 55 triệu người. Con số dân cư hiện tại chỉ là ước tính bởi vì cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc cuối cùng, do Bộ Nội và các Vấn đề Tôn giáo tiến hành, đã xảy ra từ năm 1983. Có hơn 600.000 công nhân nhập cư Myanmar có đăng ký tại Thái Lan, và hàng triệu người lao động bất hợp pháp khác. Những công nhân nhập cư Myanmar chiếm 80% số lao động nhập cư tại Thái Lan. Mật độ dân số bình quân của Myanmar là 75 người trên km², một trong những mức thấp nhất vùng Đông Nam Á. Các trại tị nạn tồn tại dọc theo biên giới Ấn Độ-Myanmar, Bangladesh-Myanmar và Myanma-Thái Lan và hàng ngàn người khác sống tại Malaysia. Những ước tính thận trọng cho rằng hơn 295.800 người tị nạn từ Myanmar, đa số là người Rohingya, Kayin và Karenni. Myanmar rất đa dạng về chủng tộc dân cư. Dù chính phủ công nhận 135 dân tộc khác nhau, con số thực thấp hơn nhiều. Người Bamar chiếm khoảng 68% dân số,10% là người Shan. Người Kayin chiếm 7% dân số, người Rakhine chiếm 4%. Người Hoa chiếm gần 3% dân số. Người Môn, chiếm 2% dân số, là nhóm người có quan hệ dân tộc và ngôn ngữ với người Khmer. Người Ấn chiếm 2%. Số còn lại là người Kachin, Chin và các nhóm thiểu số khác. Myanmar có bốn ngữ hệ chính: Hán-Tạng, Nam Á, Tai-Kadai và Ấn-Âu. Các ngôn ngữ thuộc hệ Hán-Tạng được sử dụng nhiều nhất. Chúng gồm tiếng Myanma, tiếng Karen, Kachin, tiếng Chin và tiếng Hoa. Ngôn ngữ Tai-Kadai chính là tiếng Shan. Tiếng Môn là ngôn ngữ Nam Á chính được sử dụng ở Myanmar. Hai ngôn ngữ Ấn-Âu chính là tiếng Pali, ngôn ngữ dùng trong nghi thức của Phật giáo Tiểu thừa và tiếng Anh. Theo Viện Thống kê UNESCO, tỷ lệ biết đọc biết viết chính thức của Myanmar năm 2000 là 89,9%. Về mặt lịch sử, Myanmar có tỷ lệ biết chữ cao. Nhằm đạt mức đánh giá tình trạng quốc gia kém phát triển của Liên hiệp quốc để được cho vay vốn, Myanmar đã hạ thấp mức biết chữ của nước mình từ 78,6% xuống còn 18,7% năm 1987. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính số người biết chữ thực là 30%. Phật giáo tại Myanmar chủ yếu là phái Tiểu thừa hòa trộn với những đức tin bản địa. 89% dân số nước này theo Phật giáo Tiểu thừa, gồm người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Hoa. 4% dân số là tín đồ Cơ Đốc giáo, chủ yếu là những cư dân vùng cao như Kachin, Chin và Kayin, và Âu Á bởi vì các nhà truyền giáo thường tới các vùng này. Đa số tín đồ Cơ Đốc giáo là Tin Lành, đặc biệt là phái Baptist của Giáo đoàn Baptist Myanmar. 4% dân số theo Hồi giáo, chủ yếu là dòng Sunni. Hồi giáo thường phát triển trong các cộng đồng dân cư Ấn Độ, Ấn Miến, Ba Tư, Ả Rập, Panthay và Rohingya. Những người dân theo Hồi giáo và Cơ Đốc giáo không có vị trí quan trọng trong xã hội và thường sống cô lập. Một số nhỏ dân cư theo Hindu giáo.
9 Văn hóa
Dù có nhiều nền văn hóa bản xứ tồn tại ở Myanmar, nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Văn hóa Bamar từng bị ảnh hưởng từ các nền văn hóa các nước xung quanh. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu. Nghệ thuật, đặc biệt là văn học, trong lịch sử từng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo Nam truyền Miến Điện. Nếu coi thiên sử thi quốc gia của Myanmar, Yama Zatdaw, là một sự phóng tác theo Ramayana, thì nó đã mang nhiều nét ảnh hưởng lớn từ các văn bản Thái, Mon và Ấn Độ của vở kịch này. Phật giáo đi sâu vào văn hóa và là cốt lũy của văn hóa Myanmar. Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn. Các cô bé cũng có lễ xuyên lỗ tai khi đến tuổi trưởng thành. Văn hóa Myanmar được thể hiện rõ rệt nhất tại những ngôi làng nơi các lễ hội địa phương được tổ chức trong suốt năm, lễ hội quan trọng nhất là lễ chùa. Nhiều làng xã ở Myanmar có quy ước, các phong tục và những điều cấm kị riêng. Thời kỳ cai trị thuộc địa của Anh cũng đã để lại một số ảnh hưởng phương Tây trong văn hóa Myanmar. Hệ thống giáo dục Myanmar theo khuôn mẫu hệ thống giáo dục Anh Quốc. Những ảnh hưởng kiến trúc thuộc địa là điều dễ nhận thấy nhất tại các thành phố lớn như Yangon. Nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Karen ở phía đông nam và người Kachin, người Chin sống ở phía bắc và tây bắc, theo Thiên chúa giáo nhờ công của các nhà truyền giáo.
9.1 Ngôn ngữ
Tiếng Myanma, tiếng mẹ đẻ của người Bamar và là ngôn ngữ chính thức của Myanmar, về mặt ngôn ngữ học có liên quan tới tiếng Tây Tạng và tiếng Trung Quốc. Nó được viết bằng ký tự gồm các chữ hình tròn và nửa hình tròn, có nguồn gốc từ ký tự Môn. Bảng chữ cái này được phỏng theo ký tự Môn, ký tự Môn được phát triển từ ký tự nam Ấn Độ trong thập niên 700. Những văn bản sớm nhất sử dụng ký tự được biết tới từ thập niên 1000. Ký tự này cũng được sử dụng để viết chữ Pali, ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo Tiểu thừa. Ký tự Miến Điện cũng được dùng để viết nhiều ngôn ngữ thiểu số khác, gồm Shan, nhiều thổ ngữ Karen và Kayah (Karenni); ngoài ra mỗi ngôn ngữ còn có thêm nhiều ký tự và dấu phụ đặc biệt khác. Tiếng Mayanma sử dụng nhiều từ thể hiện sự kính trọng và phân biệt tuổi tác. Xã hội Myanmar truyền thống rất nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Bên trong các ngôi làng, giáo dục do các giáo sĩ truyền dạy thường diễn ra trong các ngôi chùa. Giáo dục trung học và giáo dục cao đẳng/đại học thuộc các trường của chính phủ.
9.2 Ẩm thực
Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái, và các nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác. Món chủ yếu trong ẩm thực Myanmar là gạo. Mỳ và bánh mì cũng là các món thường thấy. Ẩm thực Myanmar thường sử dụng tôm, cá, patê cá lên men, thịt lợn và thịt cừu. Thịt bò, bị coi là món cấm kỵ, rất hiếm được sử dụng. Các món cà ri, như masala và ớt khô cũng được dùng. Mohinga, thường được coi là món quốc hồn Myanmar, gồm nước luộc cá trê có gia vị cà ri và hoa đậu xanh, miến và nước mắm. Các loại quả nhiệt đới thường dùng làm đồ tráng miệng. Các thành phố lớn có nhiều phong cách ẩm thực gồm cả Shan, Trung Quốc và Ấn Độ.
9.3 Âm nhạc
Âm nhạc truyền thống Miến Điện du dương nhưng không hài hòa. Các nhạc cụ gồm một bộ trống được gọi là pat waing, một bộ cồng gọi là kyi waing, một đàn tre gọi là pattala, chũm chọe, nhạc cụ bộ hơi như hnè hay oboe và sáo, bamboo clappers, và nhạc cụ bộ dây, thường được kết hợp thành một giàn giao hưởng gọi là saing waing Saung gauk, một nhạc cụ bộ dây hình chiếc thuyền gồm các dây tơ và thủy tinh trang trí dọc theo thân từ lâu đã đi liền với văn hóa Myanma. Từ thập niên 1950, các nhạc cụ phương Tây đã trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn.
9.4 Tôn giáo
Myanmar có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật chiếm 89,3% số dân; Thiên Chúa giáo 5,6%; đạo Hồi 3,8%; đạo Hindu 0,5%; các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Đa Thần giáo, Vật linh giáo, v.v. Chiếm khoảng 0,8% số dân. Mọi công dân Myanmar được tự do tín ngưỡng, tuy theo tôn giáo khác nhau nhưng dân chúng vẫn sống hòa bình, bằng chứng là những kiến trúc của tôn giáo khác nhau cùng được xây dựng và ton trọng tại những thành phố lớn.
9.4.1 Phật giáo
Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo. Mùa chay Phật giáo cũng được ghi trên lịch của Myanmar là ba tháng mùa mưa, tương đương với thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Trong thời gian đó có các hoạt động ăn chay, cưới xin, chuyển nhà thường được hoãn lại. Trong các tín đồ Phật giáo ở Myanmar có 99% là người Miến, người Shan và người Karen. Cả nước Myanmar có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy - tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia: các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn. Dưới thời thủ tướng Ne Win, Phật giáo tại Mianma từng được đưa vào Hiến pháp là quốc đạo, nhưng các chính quyền quân sự Myanmar tiếp theo đã xóa bỏ điều khoản này để đảm bảo công bằng về tôn giáo. Cả nước Myanmar có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa tháp. Chùa thấp tập trung nhiều nhất ở thành phố Bagan, gồm khoảng hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km2.Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ nguyên Bagan (thế kỷ XI). Nhiều chùa tháp của Myanmar thường được xây trên các đỉnh núi cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét để cất gi, bảo quản xá lợi Phật và các Phật tích khác. Các ngọn tháp cất giữ xá lợi Phật là những cấu trúc liền khối hình nón với một căn phòng chứa báu vật ở bên dưới. Khu nền bao quanh ngọn tháp là nơi dành cho hành khách hương cầu nguyện, thiền định, tụng kinh hay dâng hương. Những kiến trúc Phật giáo khác gồm có: tượng Phật - được dựng ngoài trời hay dưới một mái che, Phật đường - là nơi tổ chức thuyết pháp và các buổi lễ. Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn thường có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật. Giày dép của khách thập phương phải bỏ bên ngoài mỗi khi bước chân vào đền, chùa. Myanmar cũng có rất nhiều thiền viện - là nơi ở của các nhà sư. Các Phật tử trong và ngoài nước thường tới thiền viện để tỏ lòng kính trọng và dâng đồ bố thí, cúng dường như thức ăn, tiền bạc, áo cà sa và vật dụng cho các sư. Phật tử có thể lưu lại cả tuần, cả tháng, cả năm trong thiền viện để học thiền, nghe thuyết pháp hay nghiên cứu Phật pháp. Nhiều nghi lễ tôn giáo, trong đó có lễ thụ giới và lễ dâng cà sa,... được tổ chức rất trang trọng tại các thiền viện. Một số khu vực trong thiền viện cấm phụ nữ không được lui tới. Vào các kỳ nghỉ hè hằng năm, học sinh từ 6 đến 16 tuổi cũng tạp trung ở đây làm ễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng 1 tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền. Chùa Shwedagon (chùa vàng) ở Yangon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2500 năm trước và được các triều đạo phong kiến Miến Điện tu bổ, mở rộng dần. Chùa Shewdagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng, trên đỉnh tháp gắn nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý, chùa được dát vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm. Ở Yangoon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật, v.v.. rất độc đáo. Chùa Kyaikhtyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Chùa được xây trên tảng đá lớn màu vàng chênh vênh trên vách núi cao trông rất ngoạn mục. Myanmar có nhiều học viện Phật giáo ở các thành phố lớn, nơi đã và đang đào tạo các sư có trình độ cao về Phật học. Myanmar còn có trường đại học Phật giáo quốc tế tại Yangoon, dành cho sinh viên từ nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xri Lanca, Nepan, Thái Lan, Campuchia, Lào,.. đến học miễn phí từ bậc đại học đến tiến sĩ.
9.4.2 Thiên Chúa giáo
Thiên chúa giáo lần đầu tiên gia nhập Myanmar khoảng đầu thế kỷ XVII, hiện chiếm khoảng 5,6% số dân Myanmar. Phần lớn tín đồ thiên chúa giáo là người Keren, Chin, Kachin, và người Miến theo Thiên chúa giáo dòng Baptis. Những thừa sai Thiên chúa giáo hoạt động rất tích cực từ thời thuộc địa cho đến giữa những năm 1960, họ thành lập các trường học, bệnh viện và các trung tâm cứu trợ xã hội. Sau năm 1962, những cơ sở này bị chính quyền Myanmar quốc hữu hóa.
9.4.3 Hồi giáo
Đạo Hồi tại Myanmar chiếm 3,8% số dân và chủ yếu tập trung ở bang Rakhine, phía tây Myanmar. Người hồi giáo dòng Rohingya sống chủ yếu ở các quận Maungdau, Buthidaung và Rathedaung - bang Rakhine. Từ nhiều năm nay, những khu vực này vẫn thường xảy ra xung đột quyết liệt giữa các giáo phái với nhau, đặc biệt là tín đồ Hồi giáo dòng Rohingya với tín đồ Thiên chúa giáo và Phật giáo.
Các tôn giáo khác gồm Do thái giáo, Đa thần giáo, Linh vật giáo,..chiếm khoảng 0,8% số dân Mianma. |