Báo Người cùng khổ (le-Paria) ra đời ngày, tháng, năm nào? Là cơ quan ngôn luận của tổ chức nào? Báo do ai sáng lập? Được in bằng mấy thứ tiếng?



Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp, tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Đảng nghiên cứu và xây dựng một chính sách đối với các nước thuộc địa theo đúng tư tưởng cộng sản chủ nghĩa; Ông đề nghị thành lập Ban Nghiên cứu thuộc địa trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 9/10/1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa của Pháp như Angiêri, Marốc, Tuynidi... đã thành lập tại Pari Hội Liên hiệp thuộc địa, đây là “Đoàn thể của những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa”, một hình thức mặt trận có tính chất quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc.

Vào tháng 1/1922, nhằm xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội hợp tác Người cùng khổ”, cùng với đó là xuất bản tờ báo Người cùng khổ (le-Paria) làm cơ quan ngôn luận của Hội nhằm tuyên truyền, tổ chức lực lượng cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở các thuộc địa.

Ngày l/4/1922, Báo le-Paria ra số đầu tiên. Nguyễn Ái Quốc vừa là Chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa là người tuyên truyền, cổ động, phát hành báo. Báo được viết bằng chữ Pháp, tên báo được viết bằng ba thứ chữ: Pháp (Le Paria), Trung Quốc (Lao động báo) và Arập. Tờ báo ra đời ngay tại Pari, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và ở các nước thuộc địa của Pháp, là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức.

Trong 4 năm tồn tại, báo xuất bản được 38 số (năm 1922 xuất bản được 9 số, năm 1923: 12 số, năm 1924: 10 số, năm 1925: 6 số, năm 1926: 1 số vào tháng 4/1926). Kỳ hạn của báo có khi ra hằng tháng, có khi nửa tháng và có khi cách nhau 6 tháng. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng thời kỳ mà báo có những tiêu đề khác nhau. Từ số 1 (4/1922) đến số 20 (11/1923) tiêu đề là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa (Tribune des populations des colonies). Từ số 21 (12/1923) đến số 35 (8/1925), báo đổi tiêu đề là Diễn đàn của vô sản thuộc địa (Tribune du prolétariat colonial). Đến số 36, 37 (9 và 10/1925), báo lại có tiêu đề mới là Cơ quan của nhân dân bị áp bức thuộc địa (Organe des peuples opprimés des colonies). Trên số báo cuối cùng lại ghi Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa (Organe de L’Union Intercoloniale). Trụ sở của báo lúc đầu ở số nhà 16 phố Giắccơ Calô (Jacques Callot) quận VI Pari sau chuyển đến số 3 phố Mácsê đê Patơriacsơ (Marché des Patriarches) quận V Pari. Báo le-Paria phần lớn xuất bản mỗi số có hai trang nhưng cá biệt có số in ba trang (số 11, 36, 37) hoặc 4 trang (10, 12). Giá báo từ 3-5 phrăng.

Khi còn hoạt động ở Pháp, hầu như số nào Nguyễn Ái Quốc cũng có một bài, có khi tới 4 bài (số 5). Sau khi rời Pháp sang hoạt động ở Liên Xô và Trung Quốc, ông vẫn duy trì mối quan hệ với báo và vẫn gửi bài đăng báo.

Việc xuất bản báo Người cùng khổ (le-Paria) cùng với những bài viết đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc, góp phần quan trọng vào việc tố cáo chủ nghĩa thực dân, kêu gọi sự đoàn kết của nhân dân các nước thuộc địa. Sự xuất hiện của tờ báo ở Việt Nam và các nước thuộc địa đã thực sự làm tròn tôn chỉ là vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người như Lời kêu gọi ở số ra mắt.

Hai Hội

Ghi chú: Báo le-Paria xuất bản 38 số theo đánh số, nhưng trên thực tế chỉ có 35 tờ báo được xuất bản vì có ba số kép, đó là các số xuất bản vào các tháng 9 và tháng 10 các năm 1922, 1923, 1925.

Nguồn:

* Hồ Chí Minh, toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.145-170.
* Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Trẻ, 1999, tr.42-44.
* Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử. Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 136-137.
* Nguyễn Thành: Về Báo le-Paria Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1, 1998.
* Vũ Thắng Lợi: Báo le-Paria và những bài viết của Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 4,1982.
* Dương Trung Quốc: Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1919-1945). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.42.
* Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp. Nxb Thông tin lý luận Hà Nội, 1988, tr.101-121.




Xem thêm