Giáo xứ Ba Làng, nơi được cha Đắc Lộ truyền giáo cách nay gần 400 năm



Cửa Bạng là cửa sông Bạng ở phía nam Thanh Hóa, là đoạn cuối của sông Kênh Than trước khi đổ ra biển. Kênh Than thuộc hệ thống giao thông từ thời nhà Lê, kết nối đường thủy từ kinh đô xuống phía nam. Giáo xứ Ba Làng được hình thành nơi đây, từ sự truyền giáo trực tiếp bởi cha Đắc Lộ, tức nhà ngôn ngữ học Alexandre de Rhodes.

Cửa Bạng nhìn ra biển sẽ thấy hòn Mê đang cùng 9 hòn đảo nhỏ khác đứng giăng như bức tường thành giữa đại dương. Nhìn về phía nam là dãy Biện Sơn hình thanh long đao, nơi thuyền bè thường chạy vào tránh bão. Nhìn về phía tây, bên kia sông Bạng là quê hương của nhà thơ - nhà văn hóa Đào Duy Từ, với nhiều địa danh nổi tiếng. Khi tôi còn nhỏ, dân nơi đây vẫn gọi là "lạch Bạng" mặc dù cửa lạch khá lớn, dạo đầu viết báo Hoa Học Trò tôi có từng ký tên Lạch Bạng nhưng không hiểu vì sao lên báo thành bút danh Lạng Bạng!?

Nằm ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, Cửa Bạng còn được hiểu là tên của vùng “bán đảo Hải Thanh”, một xã của Tĩnh Gia - là huyện được lập từ năm 1435 dưới thời Hậu Lê với tên gọi phủ Tĩnh Gia - đến năm 2020, vẫn giữ nguyên địa giới nhưng đổi thành thị xã Nghi Sơn, lấy tên một xã có khu kinh tế công nghiệp (cũng vì sự thay đổi này mà tôi đã phải bỏ tiểu thuyết hài Tinh Gia đang xây dựng, vì tôi muốn chơi chữ huyện Tĩnh Gia và "tình già" nên không thể chữa thành Nghi Son được). Cửa Bạng, nơi non nước hữu tình ấy đã chứng kiến bao cảnh đổi thay của những biến động lịch sử, đặc biệt kể từ khi nơi đây là một trong những nơi phát triển tiên phong của lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam.

Vào ngày lễ Thánh Giu-se năm 1627, cha Alexandre de Rhodes và cha Marquez, trên đường ra giảng đạo tại Đàng Ngoài đã ghé qua đây, sau hơn hai tháng giảng đạo, các thừa sai đã rửa tội được 32 người, khởi đầu tạo dựng một xứ đạo Ba Làng nổi tiếng ngày nay. Câu nói “Thứ nhất Tòa Thánh Rôma, thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù” thể hiện sự trưởng thành của cộng đoàn Kitô hữu nơi đây, kể từ khi thành lập.

Sau đó một thời gian, gần một nửa dân theo đạo Công Giáo, do tín ngưỡng nên phát sinh mâu thuẫn trong tập tục sống. Để tránh cảnh "cơm không lành, canh không ngọt", những người theo đạo Thiên Chúa dời từ núi Do về núi Thủi phía bắc, dần dần biến nơi hoang vu này thành một vùng trù phú. Khi nhà Nguyễn mâu thuẫn với thực dân Pháp, có thêm nhiều người Công giáo từ Nghệ An, Hà Tĩnh phải di tản lên đây nương náu do triều đình có phong trào “bắt đạo”.

Một khu chế biến nước mắm Ba Làng, cách đây 100 năm
Về sau nơi đây lập thành một làng mới, tức làng Sung Mãn bây giờ. Theo truyền khẩu, ở làng bên kia sông Bạng có ông Quận Hò là người có công với chúa Nguyễn, nhân việc vua kiện toàn lại hệ thống hành chính sau khi danh xưng nước Việt Nam được đặt, ông xin cho di dời phần lớn dân làng mình sang vùng biển sinh sống và được vua đồng ý, đến khoảng năm 1915 khu dân này trở thành làng Như Xuân. Về sau lại có những ngư dân ở các làng thuộc Sầm Sơn ngày nay di cư xuống và lập thành làng Ngoại Hải. Cả 3 làng cùng toạ lạc trên mảnh đất hình chiếc cung phía bắc Cửa Bạng, có nghề chính là đánh bắt và chế biến hải sản, danh từ Ba Làng cũng có từ đó.

Từ năm 1945 đến năm 1954, một số gia đình Công giáo ở giáo xứ Ba Làng Hải Thanh đã di cư vào nam. Một nhóm định cư tại Bình Thuận, phát triển thành cộng đoàn giáo xứ Thanh Hải ven biển Phan Thiết hiện nay. Một nhóm khác an cư tại Khánh Hòa, lập ra giáo xứ Ba Làng Nha Trang nổi tiếng.

Cửa Bạng, tức phường Hải Thanh bây giờ, vẫn giữ nguyên phạm vi địa lí dài khoảng 3 km đường biển mà các làng định cư từ xưa, đê biển chắn sóng đắp bằng đất thó đã được kè vững chắc vào năm 1995, cố Đức ông Gioan Baotixita Lưu Văn Khuất có công lớn trong việc vận động nguồn tài trợ. Phía bắc giáp với núi Thủi, hình dạng giống một chiếc nỏ là nơi định cư ban đầu của dân Ba Làng như đã kể trên; Phía tây giáp con sông Bạng, bên kia sông là xã Bình Minh trù phú; Phía nam là cửa Bạng dưới chân núi Do.

Trần Nhật Giáp



Xem thêm