Nhạc vàng, dòng nhạc trữ tình lãng mạn đại chúng, sử dụng nhiều giai điệu nhẹ nhàng, đặc biệt là bolero



Nhạc vàng là dòng nhạc trữ tình lãng mãn từ thời tiền chiến, sau phát triển ở miền nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và hải ngoại, chịu ảnh hưởng nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975; một nghĩa khác, phổ biến hơn, hẹp hơn, của từ này, có các tên khác như nhạc mùi, nhạc bolero, nhạc quê hương, nhạc sến, là tên gọi chung của dòng nhạc bình dân hình thành từ cuối thập niên 1950 ở miền Nam Việt Nam, sử dụng nhiều giai điệu khác nhau như bolero, rumba, tango, ballade, slow, chachacha..., tiếp nối dòng nhạc tiền chiến trên một số khía cạnh. Khái niệm nhạc vàng này phân biệt với các dòng khác thường xoay quanh giữa vấn đề giai điệu, tiết tấu, lối hát, hòa âm, nội dung sáng tác, tư tưởng bao gồm cả chính trị, có khi không rành mạch. Nhạc vàng theo nghĩa thứ hai là một phần của nhạc nhẹ, nhạc đại chúng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương của Việt Nam.

Tên gọi "nhạc vàng" du nhập từ Trung Quốc khởi đầu Tân nhạc Việt Nam. Cách phân loại này bắt chước từ Trung Quốc, vì trong Hán ngữ nhạc màu vàng (hoàng sắc âm nhạc) được hiểu là nhạc tình thời thượng của thập niên 1930, dòng nhạc này phổ biến ở Thượng Hải. "Nhạc màu vàng" theo đó bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt". Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Trung Quốc cũng có hai màu nhạc chính là hồng ca (nhạc đỏ, nhạc cổ vũ quân sự chính trị) và hoàng ca (nhạc vàng, nhạc trữ tình thời thượng được cho là có xuất xứ từ Thượng Hải thời kỳ quân phiệt), nhạc vàng Trung Quốc bị coi là dòng nhạc phản động, khêu gợi luyến ái và có tính chất "ô uế" văn hóa, có hại cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển văn hóa lành mạnh.

Nhạc vàng có nhiều nghĩa, từ nghĩa màu vàng mà ra. Nghĩa xấu màu vàng chỉ sự ủy mị, bạc nhược, chậm tiến, chết chóc, nhưng nghĩa tốt là chỉ quý như vàng, đắt như vàng, đẹp như vàng, sáng như vàng hay nghĩa khác biểu tượng vương triều quân chủ, tức sự sang trọng. Tuy nhiên trong thời kỳ thịnh hành trước 1975 các nhà chuyên môn cũng ít khi đề cập đến từ này, và ngay các trung tâm băng nhạc thời chế độ cũ hay ở hải ngoại cũng hiếm khi đề cập đến. Từ nhạc vàng chỉ phổ biến trong dân chúng.

Theo Jason Gibbs:"Khi tôi mới đến Việt Nam trong những năm 1990 nhiều người nói đến nhạc vàng, nhưng người ta rất ít (gần như không) nói về nhạc sến. Ở miền Bắc “nhạc vàng” là thuật ngữ để nói về tất cả các loại nhạc được phổ biến ở miền Nam (và ở các thành thị miền Bắc dưới thời chính quyền Pháp và Bảo Đại trước 1954). Sau năm 1975 nhạc vàng vẫn là tên gọi của các loại nhạc bị cấm từ trước, rồi các loại nhạc sản xuất ở hải ngoại. Thực ra nhạc vàng là nhạc thị trường theo góc nhìn của một xã hội bao cấp". Ông cũng nêu quan điểm nhạc sến "Tôi được nghe đến tên gọi “nhạc sến” lần đầu tiên năm 1995 lúc xếp hàng trước khi vào thính phòng nghe một chương trình nhạc truyền thống Việt Nam ở San Francisco". Quan điểm khác: Nhạc vàng là khái niệm người miền Bắc gọi các ca khúc của miền Nam trước 1975, nhạc vàng người ta lại chia ra vài loại như nhạc lính, nhạc quê hương và nhạc sến. Có quan niệm cho cần phân biệt nhạc quê hương với nhạc sến. Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh "Bolero sau nửa thế kỷ, mới tạm định hình với cái tên hiện nay. Trước đó, mỗi khúc quanh của thời cuộc lại đặt để cho hàng chục ngàn bài tình ca đô thị miền Nam này mỗi cái tên khác như nhạc sến, nhạc mùi, nhạc bình dân... và rồi là nhạc vàng". Theo Phạm Duy thì" "Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm - mệnh danh là nhạc vàng - với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến".

Theo tuần báo nghị luận Đời Mới xuất bản Sài Gòn 1954, số 130: "Âm nhạc của chúng ta không chỉ có Quốc nhạc và nhạc Tây phương, mà còn có dòng nhạc Cải cách. Mười mấy năm nay, chẳng phải có một thế hệ nhạc sĩ sáng tác "nhạc Tây" nhưng "hồn Việt" đó sao. Chúng ta có Văn Cao, Lưu Hữu Phước rất sành nhạc cổ điển Tây phương, có một Phạm Duy sáng tác dân ca cải cách, có một Lê Thương dám sáng tác cả trường ca đồ sộ... Tuy nhiên so sánh với mấy nước láng giềng thôi, như Nhật Bổn, Tân Gia Ba, thì âm nhạc của chúng ta vẫn thua kém họ nhiều lắm. Chúng ta còn yếu về nhạc cổ điển, thậm trí yếu cả sáng tác nhạc cho trẻ em, mà vài năm nay thì chỉ mạnh lên có mấy sáng tác theo thị hiếu nhất thời nông nổi của lứa tuổi choai choai, "kề làn môi hương tình ngây ngất" văng vẳng trên sóng phát thanh... Nhiều hơn cả là sáng tác theo mấy điệu nhạc khiêu vũ thịnh hành ở Lạp Đinh Mỹ Châu (mambo, chachacha, rumba, bolero, tango, samba,...), đầu Ngô mình Sở, chỉ cần mấy nhạc cụ đơn giản Tây ban cầm, Hạ uy di là có thể nghêu ngao khắp phố phường. Một vài nhạc sĩ cũng muốn thoát khỏi "Nhớ nhung", "Trăng chờ"... để quay lại với "Việt Nam anh dũng", "Thúc quân", nhưng chỉ như ngọn đèn lung lay trước bão. Đến "Hòn vong phu" của Lê Thương còn có ý kiến cho yếu đuối, hoài cổ, mấy sáng tác "lãng mạn cách mạng" của Trần Hoàn, hay mấy bản dân ca tự tôn dân tộc của Phạm Duy, ngày càng lép vế với nhạc tình kiểu "Khúc nhạc tương tư" của Ngọc Bích mà người sáng tác bê về thành hay mấy bài của Đoàn Chuẩn, vốn đang ăn khách gần đây... Thật ra thị hiếu quần chúng cũng là do nhạc sĩ dẫn dắt, một vòng luẩn quẩn..."

Theo báo chí Việt Nam "Nhạc vàng để chỉ các ca khúc trữ tình lãng mạn thời tiền chiến và trong vùng do chế độ Sài Gòn kiểm soát. Các ca khúc này có thể được xem là thuộc dòng nhạc nhẹ, với các thể điệu phổ biến như bolero, rumba, slow, tango, chachacha, boston,... với đặc trưng là dễ hát, dễ đi vào quần chúng bình dân. Nhạc cổ điển không phát triển trong chế độ cũ, mặc dù có Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn và Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nhưng giáo trình nghèo nàn... Các nhạc sĩ có năng lực sáng tác nhạc cổ điển như Nghiêm Phú Phi thì "thất nghiệp" phải đi làm hòa âm, còn Hoàng Thi Thơ thì sáng tác nhạc đại chúng, nhạc giải trí vì nó dễ kiếm tiền. Thiếu vắng "nhạc hùng", nhạc cổ điển "mới" có thể chơi với dàn nhạc giao hưởng, họ hay "mượn tạm" các ca khúc thời kháng Pháp, sửa lời, và một số sáng tác thời Pháp chiếm như Hòn vọng phu (Lê Thương), Hội trùng dương (Phạm Đình Chương), giai điệu khá đơn giản nhưng có tính dân tộc có giá trị đáng kể về mặt nghệ thuật... Một nền âm nhạc phân chia giai cấp và ảnh hưởng của thị trường khiến cho sự phân loại không dễ dàng... Nhưng phổ biến hơn cả, là hai dòng "nhạc sang" và "nhạc sến" đều là những khái niệm ra đời ngay trong lòng của thị trường âm nhạc thời đó. Dù là sang hay sến, dù là Văn Phụng, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, hay Vinh Sử, thì đều là nhạc nhẹ với cái tên chung là nhạc thời trang (tức là nhạc thị trường bây giờ). Do tác động của kinh tế thị trường, ít tác phẩm có chiều sâu về nghệ thuật, nên năm 1970 một số văn nhạc sĩ như Nguyễn Đình Toàn, Ngọc Chánh, Hoàng Trọng, Hoàng Nguyên, Phạm Mạnh Cương,... đã giới thiệu nhiều tác phẩm có giá trị hơn của "thời tiền chiến" và đặt cho nó cái tên là nhạc tiền chiến, với những bài cả dòng nhạc nhẹ lẫn nhạc cổ điển và bán cổ điển. Cái tên này chỉ là để phân biệt với nhạc thời trang hay "nhạc thương phẩm" theo Phạm Duy lúc đó...Để chiều theo thị hiếu, khác với miền Bắc lúc đó đề cao nhạc cổ điển và dân ca, hát theo lối Bel canto, trừ một số rất ít thế hệ cũ như Thái Thanh, Kim Tước, thì hầu hết các ca sĩ miền Nam hát theo lối hát truyền thống, giọng trầm tròn vành rõ chữ. Đối với dòng "nhạc vàng" phổ biến nhất lúc đó, thì bên cạnh phối theo nhạc nhẹ, hát bằng giọng Bắc, dù không hay ít ảnh hưởng dân ca, còn có thể chơi với dàn nhạc dân gian (dù trên thực tế là hiếm trước 1975) và hát giọng Nam với một số ít các bài hát ảnh hưởng sâu sắc dân ca Nam Bộ. Lối hát "giọng mũi" là đặc trưng của nhạc điệu bolero, và phù hợp "giọng bẹt" của người miền Nam, mà làm cho nó càng trở nên mùi mẫn... Trong số các nhạc sĩ thời đó, nổi bật nhất là Trịnh Công Sơn, dù chỉ là những bản ballad nhẹ nhàng chịu ảnh hưởng nhạc phương Tây "đương đại", giai điệu đơn giản, không cầu kỳ, tiết tấu nhịp nhàng "dễ chịu", nhưng hồn thơ thì thấm đẫm...".

Sau năm 1975, một số người làm âm nhạc ở miển Bắc có lúc gọi nhạc vàng là nhạc sến (nghĩa là "sến súa") với ý châm biếm. Trong văn nói ngày nay, nhạc vàng còn được gọi là nhạc mùi (nghĩa là "nhạc mùi mẫn").

Theo ý kiến của nhiều lão làng trong giới ca nhạc thì "sến" do chữ sen (trong từ con sen: người giúp việc nhà) đọc trại mà ra. Trước 1954, chỉ có ở miền Bắc mới gọi "ô sin" là con sen, trong Nam gọi là "ở đợ". "Sến" thường là những cô gái quê con nhà nghèo, ít học phải ra tỉnh ở đợ, vì vậy trình độ hiểu biết cũng không cao. Do thường giúp việc cho chủ Tây hoặc trong các gia đình theo Tây học nên các cô được các nhà văn, nhà báo có óc hài hước thêm cho cái tên "Marie" phía trước để trở thành Mari-Sến. Sau 1954, "Mari-Sến" vào Nam. Dạo đó, nước máy chưa được đưa tới từng nhà, chiều chiều các Mari- Sến lại tụ tập quanh cái máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông ten". Trong khi đứng chờ đầy gánh nước, các cô thường vui miệng hát với nhau những câu đại loại như: "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" (Duyên kiếp - Lam Phương) hoặc: "Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng..." (Quen nhau trên đường về - Thăng Long). Thế là thành... nhạc sến!

Giữa thập niên 90 khi nhà nước cho phép nhiều dòng nhạc thì phổ biến trong dân chúng các tên gọi dân dã nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh. Nhà nước cũng dần chấp nhận những tên gọi đó, nhưng giới chuyên môn thường xuyên không sử dụng. "Nhạc Vàng" là một khái niệm được sử dụng theo sự phân loại chính thức của nhạc sĩ Trần Hoàn khi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam. Người đề xuất sự phân loại này là nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Theo đó, âm nhạc được phân loại theo "màu sắc", màu vàng tượng trưng cho sự vàng úa, hoàng hôn, khô héo, ru ngủ với hàm ý tiêu cực cho các bài hát trữ tình buồn. Màu đỏ (nhạc đỏ, hồng ca) được ghép cho nhạc cách mạng, nhạc chiến tranh quân sự và nhạc đoàn đội, hùng ca, tỉnh ca, nhạc phong trào Thanh niên xung phong, những bài hát có màu sắc chính trị cách mạng. Màu đỏ với hàm ý tích cực, tượng trưng cho sự tươi sáng và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ hăng hái góp sức, xây dựng, cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho quốc gia dân tộc và cộng đồng xã hội.

Tóm lại nhạc vàng theo cách hiểu phổ biến hiện nay là nhạc bình dân hình thành khoảng cuối thập niên 1950 ở miền Nam Việt Nam, cùng thời gian đó còn có tên gọi khác là nhạc sến (hoặc nhạc sến là một khái niệm hẹp hơn hay rộng hơn tùy theo quan điểm). Ngoài ra còn có các tên khác như nhạc trữ tình, nhạc quê hương (có thể bị trùng lẫn với các dòng khác), nhạc mùi, hay gần đây hơn là nhạc bolero cho dù không phải bài nào cũng theo điệu bolero hay hát theo điệu bolero.




Xem thêm