Bỏ việc sau một đêm trong chợ với học trò
Hồi mình dạy học một thời gian rất ngắn ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Sóc Sơn, cách đây cũng mười mấy năm rồi, có người nói mình bỏ nghề vì sợ chết. Chẳng là đận ấy có vụ học sinh trên Nỉ kéo xuống đánh nhau trước cổng trường, sau đó mấy ngày mình lại xin nghỉ. Sự thật không phải như vậy.
Thật ra lý do mình nghỉ dạy hoàn toàn khác. Chuyện là, những Trung tâm giao dục thường xuyên khi đó rất hay có học sinh lớn tuổi, có một lớp mình dạy cũng có một người hơn mình tới 2 tuổi. Gã này sinh năm 1972, đi bộ đội về, học tiếp để thi đại học.
Cũng tầm tuổi với nhau nên vào lớp vẫn thầy nào trò nấy, nhưng ngoài giờ thường rủ nhau đi nhậu tưng bừng, tất nhiên chú ấy vẫn gọi mình là thầy và mình gọi chú là anh xưng tôi rất lịch sự. Ngoài chú này ra còn mấy chú trẻ hơn thỉnh thoảng cũng tham gia.
Một lần, buổi tối mấy thầy trò đem đồ nhậu vào chợ trước cổng trường đánh chén. Dạo đó không có gì thú vị bằng ban ngày nhậu ở bến sông, ban đêm nhậu trong chợ, vì chợ khi đó lãng mạn lắm, trống trải và đìu hiu chứ không bê tông hóa như bây giờ.
Trong lúc dzô dzô, chú học trò cựu bộ đội hỏi ngày trước thầy viết báo Hoa Học Trò em cũng có đọc, em cũng biết thầy còn làm thơ nữa. Mình bảo chỉ làm thơ cười thôi, thơ lãng mạn không biết làm. Chú ấy bảo làm thơ được là giỏi rồi, còn thơ gì cũng vậy, hồi trong quân đội em có thằng bạn làm được mấy câu thơ mặt vênh như bánh đa. Mình bảo làm thơ không khó, chỉ cần nghe qua luật là làm thơ được, nhất là thơ lục bát.
Thơ lục bát là thơ cứ viết một câu 6 chữ (gọi là câu 6) lại đến câu 8 chữ (gọi là câu 8), rồi lại đến câu 6 chữ... Nguyên tắc cơ bản về dấu trong từng câu là chữ chữ đầu tiên vần bằng (không có dấu hoặc dấu huyền), chữ thứ hai vần trắc, chữ thứ 3 vần bằng, chữ thứ 4 vần trắc... Niêm luật tối thiểu là chữ thứ 6 của câu 8 phải cùng vần với chữ thứ 6 của câu 6 ở trên nó, chữ thứ 6 của câu 6 phải cùng vần với chữ thứ 8 của câu 8 ở trên nó.
Nôm na là như vậy, vì diễn giải phải có giấy bút. Chú học trò bộ đội bảo em chịu, cứ rắc rối thế nào. Hay là thầy biết làm câu đối không dạy em đi.
Câu đối à, câu đối làm thì dễ hơn thơ, nhưng làm câu đối hay lại khó hơn thơ. Nói một cách đơn giản nhất về luật câu đối thì: Chữ đầu tiên của câu thứ nhất vần bằng thì chữ đầu tiên của câu thứ hai vần trắc, và ngược lại. Các cặp chữ khác cũng tương tự như vậy. Ngoài ra nó phải có ý, có nghĩa và phải có ý nghĩa gần như là ngược nhau mới gọi là đối. Ví dụ như Cây nêu đối với Thịt mỡ, tràng pháo đối với dưa hành, bánh chưng xanh đối với câu đối đỏ, ở trong câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Ôi tưởng gì, làm câu đối thế này thì em cũng làm được.
Đừng có mơ, câu đối hay là phải có chơi chữ ngay trong câu đối, ví dụ như câu: Mì chính là phụ / Đậu phụ là chính. Chơi chữ ở cặp chữ chính / phụ.
Một chú bảo: - Thầy đừng tưởng em không làm được như thế, thầy nghe câu này bao giờ chưa: Chân chính làm việc phụ / Chân phụ làm việc chính.
Hôm sau tôi làm đơn xin nghỉ dạy, về tiếp tục viết truyện cười.
Jap Tiên Sinh