Sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1990 có nội dung như thế nào?



Khi hình ảnh những trang sách cũ được đăng lên mạng xã hội, nhiều người nhận xét sách Tiếng Việt ngày xưa giúp thầy cô dễ dạy, trẻ dễ học, phụ huynh dễ kèm.

Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, NXB Giáo dục ấn hành năm 1990, là cuốn sách gắn liền với thế hệ 8X và nửa đầu 9X. Nó nằm trong bộ sách Tiếng Việt được đánh giá là phiên bản hoàn chỉnh nhất tính từ cuộc cải cách giáo dục năm 1979. Trước khi thay sách mới vào năm 2002, học sinh học đánh vần, tập viết tập đọc qua cuốn này.

Nhiều người ở độ tuổi U40 vẫn nhớ mãi hình ảnh chú gà gáy một tràng chữ "o" cùng chùm nho, con bò. Với họ, "o" là chữ cái được học đầu tiên trong đời. Trong khi đó, với sách hiện tại, bài 1, học sinh thường học chữ "a".

Nội dung bài học đơn giản, với hai chữ cái "a" và "c", học sinh được học từ "cái ca" - vật dụng quen thuộc với trẻ em thời đó. Sang bài 4, học học thêm dấu huyền, dấu sắc, kết hợp với từ "ca" đã học ở bài cũ để học từ "cà", "cá". Hình ảnh, từ ngữ đều quen thuộc. Người dùng mạng Linh Đoàn đánh giá với sách Tiếng Việt lớp 1 cũ, "thầy cô dễ dạy, trẻ dễ học, phụ huynh dễ kèm".

Không chỉ nhận đánh giá tốt về nội dung nhẹ nhàng, sách Tiếng Việt lớp 1 ngày xưa còn được khen ở phần hình ảnh đơn giản, sắp xếp hợp lý.

...

Ở sách cũ, mỗi bài, học sinh học 1-2 chữ cái. Sách có bài ôn tập xen kẽ để học sinh nhớ lại chữ cái trước khi bước sang học chữ mới. "Quyển sách rất vừa sức của trẻ. Ngày xưa, tôi vừa học vừa chơi thật sự và ít mắc lỗi sai chính tả. Trẻ bây giờ lớn lên viết sai chính tả khá nhiều", tài khoản Thanh Nguyen bình luận.

Nhiều người chia sẻ nhìn lại sách cũ, họ cảm thấy may mắn vì từng được học cuốn sách nhẹ nhàng, dễ nhớ. Có người thừa nhận nhìn sách hiện tại, không biết dạy con kiểu gì vì người lớn còn thấy khó học.

Những ví dụ về tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 1 ngày xưa cũng được đánh giá đơn giản, dễ nhớ. "Câu 'bà bế bé' này hay hơn câu chuyện bé trai bệnh, bà bế bé tri bên sách mới", tài khoản Nhựt Quyên nhận xét.

Ở sách Tiếng Việt cũ, học sinh ít khi phải học đến 3 âm, vần trong một bài. So sánh sách cũ, nhiều người nhận thấy trẻ em ngày nay phải học quá nhiều, chưa kể đến, trẻ còn phải học thêm các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tự nhiên và Xã hội...

Nhịp độ học trong sách cũ cũng chậm hơn. Người dùng mạng Ngoc Lam Tuyen Nguyen cho biết ở sách mới, học sinh trực tiếp học chữ "qu". Nội dung này xuất hiện ở bài 24 thay vì bài 35 như sách cũ. Nhìn sách Tiếng Việt ngày xưa, nhiều người mong con họ cũng được học sách như vậy.

Phần vần bắt đầu từ bài 42, tức nếu mỗi ngày, học sinh học một bài, đến tuần thứ 9, họ mới học sang phần vần. Trong khi đó, Nguyen Kimchi chia sẻ với sách mới, con cô đã học đến vần "ua", "ưa", "ia" dù mới chỉ ở tuần thứ 5. Người này bức xúc khi con chưa nhớ hết chữ cái đã phải học vần lại còn học đến 3 vần.

Nội dung bài đọc được khen dễ nhớ, ghép vần cần học vào các tiếng quen thuộc với trẻ. Câu đọc lên cũng không ngang. "Tôi ước các con tôi được học lại quyển sách này. Sau hàng chục năm, tôi vẫn không quên những bài học bởi nội dung đơn giản, trong sáng", Tran Ha Thu bày tỏ.

Sang phần vần, sách Tiếng Việt cũ có nhiều bài thơ ngắn dọn, dễ nhớ, nội dung dễ thương. Không ít người cho biết đến giờ, họ vẫn nhớ bài thơ lợn con khi học vần "un" và "in".

Hình ảnh quả cau, bồ câu hay con trâu đều gần gũi với trẻ em thời đó. Nhiều người cho rằng khi xã hội phát triển, việc thay sách là cần thiết song người viết sách nên chỉnh sửa các từ ví dụ, hình ảnh để phù hợp với học sinh mỗi thời, không nên đẩy nhanh tiến độ học âm, vần, tập đọc, viết với trẻ mới 6 tuổi.

Phần cuối sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 là ghi chú về cách dạy, giúp trẻ học. Nhờ đó, giáo viên, phụ huynh không gặp khó khăn khi dạy Tiếng Việt cho trẻ. "Ngày xưa, học sinh học ít nhưng nhớ nhiều, hầu như thuộc hết từng câu từng chữ. Còn bây giờ, trẻ học nhiều mà chả nhớ gì cả, đúng là nghịch lý", tài khoản Trang Tran cảm thán.

Nguyễn Sương




Xem thêm